Thách thức nào chờ tân Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn?
Tân Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn có nhiệm vụ tiếp tục nâng tầm bóng đá Việt Nam, hướng tới những mục tiêu dài hạn như giành vé dự World Cup, lọt vào top 10 châu Á.
Tại Đại hội khóa IX LĐBĐ Việt Nam (VFF), Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chính thức được bầu vào vị trí Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 2022-2026. Đây là kết quả được dự đoán từ trước, bởi ông Trần Quốc Tuấn là ứng viên duy nhất cho vị trí Chủ tịch VFF.
Thách thức đặt ra cho Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn ở nhiệm kỳ 2022-2026 rất lớn.
Một là, VFF hướng đến các mục tiêu như nâng cao chất lượng các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp, trong đó trọng điểm là chất lượng của V-League. Việc nâng tầm giải vô địch quốc gia là gốc rễ để bóng đá Việt Nam phát triển bền vững, giúp đội tuyển quốc gia thừa hưởng nền tảng cầu thủ tốt, đồng thời nhân rộng được phong trào bóng đá đến các tỉnh, thành.
Hai là, đầu tư mạnh cho bóng đá trẻ và đào tạo các lớp cầu thủ kế cận. Đây là nhiệm vụ bóng đá Việt Nam thành công thời gian qua, tiêu biểu có đội U23 Việt Nam vào chung kết U23 châu Á, 2 lần vô địch SEA Games.
Các đội U16, U19 Việt Nam cũng có bước tiến bộ nhất định, đảm bảo góp mặt ở vòng chung kết châu lục. Thành công của đội tuyển Việt Nam ghi đậm dấu ấn các cầu thủ trẻ là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của đào tạo con người. Giai đoạn tới, VFF cần đẩy mạnh đào tạo trẻ đồng bộ, mở rộng hợp tác quốc tế để sàng lọc, bồi dưỡng thêm nhân tài, tạo ra sự kế thừa ở cấp độ đội tuyển.
Ba là, nâng cao thành tích cho các đội tuyển, hướng đến tấm vé dự World Cup. "Phấn đấu bóng đá nước ta phát triển đến năm 2030 đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á và sớm có mặt tại World Cup", ông Trần Quốc Tuấn nêu rõ.
Đội tuyển Việt Nam đã lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và đứng hạng 15 châu lục, nhưng để lấy vé dự World Cup ở thời điểm số suất châu Á tăng lên 8 là mục tiêu rất khó khăn, đòi hỏi sự chuyển dịch theo hướng tích cực của cả nền bóng đá. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của tân Chủ tịch VFF ở giai đoạn này.
Giúp việc cho ông Trần Quốc Tuấn ở vị trí Phó Chủ tịch VFF là các ông Trần Anh Tú (Phó Chủ tịch Phụ trách chuyên môn), Nguyễn Trung Kiên (Phó Chủ tịch Phụ trách tài chính) và Nguyễn Xuân Vũ (Phó Chủ tịch Phụ trách Truyền thông).
Trước đó, vào tháng 1/2022, ông Tuấn được Đại hội thường niên năm 2021 của VFF bầu làm Quyền chủ tịch VFF khóa VIII cho tới khi VFF bầu ra chủ tịch mới tại Đại hội nhiệm kỳ IX.
Hơn 20 năm kinh nghiệm trong tổ chức, ông Trần Quốc Tuấn điều hành các hoạt động bóng đá trên nhiều cương vị: Ban Thi đấu của VFF (2001), Tổng Thư ký VFF (2005-2012), Ủy viên thường vụ AFC (2011-2015, 2017-nay), Trưởng ban Thi đấu AFC (2017-nay), Phó Chủ tịch VFF (2014-2022), Quyền Chủ tịch VFF (tháng 1/2022-nay).
Trên cương vị Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, ông Trần Quốc Tuấn cùng các cộng sự có những chiến lược cụ thể để phát triển đồng bộ bóng đá nam, nữ, thúc đẩy đào tạo trẻ, đưa các đội tuyển tập huấn, thi đấu tại nước ngoài, thuê chuyên gia ngoại, ứng dụng khoa học vào tập luyện và thi đấu, góp phần không nhỏ vào thành công của các đội tuyển quốc gia giai đoạn 2018-2022.
Ông Trần Quốc Tuấn nổi bật nhờ vốn ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, duy trì và phát triển các mối quan hệ với các nhà quản lý bóng đá nước ngoài. Những mối quan hệ ấy giúp VFF nhận được nhiều hỗ trợ từ Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cũng như AFC.
Khi làm ủy viên BCH AFC, chính ông Trần Quốc Tuấn là một trong những người tích cực vận động để mở rộng vòng chung kết Asian Cup từ 16 đội lên 24 đội. Nỗ lực của ông Tuấn được đền đáp khi Asian Cup 2019 đã có 24 đội tham dự.
Đây là giải đấu đội tuyển Việt Nam lọt tới tứ kết nhờ là một trong bốn đội thứ ba có thành tích tốt nhất trước đó.
Ông Trần Quốc Tuấn sinh ngày 5/1/1971, quê quán Tây Sơn, Bình Định. Ông là con út trong gia đình có truyền thống thể thao. Cha ông là ông Trần Vĩnh Lộc, nguyên Giám đốc Sở TDTT tỉnh Phú Khánh, nay đã tách thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Mẹ ông Trần Quốc Tuấn là bà Bùi Thị Hồng Tiến, người từng vô địch chạy việt dã toàn miền Bắc.
Ông Trần Quốc Tuấn được định hướng theo học ngành thể thao và đi du học tại Nga từ năm 1990. Năm 1998, khi mới 28 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học chuyên ngành TDTT, sau khi tốt nghiệp đại học bằng giỏi. Trở về Việt Nam, ông Tuấn công tác tại Viện Khoa học TDTT.
Nhờ tư duy năng động, tinh thần làm việc cầu tiến, ông Tuấn trở thành Viện phó Viện Khoa học TDTT. Tháng 6/2005 (ở tuổi 34), ông Trần Quốc Tuấn được bầu làm Tổng thư ký VFF và giữ chức vụ này trong 6 năm.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/thach-thuc-nao-cho-tan-chu-tich-vff-tran-quoc-tuan-ar711961.html