Thách thức nào với năng lượng tái tạo?

Ngày 18-6-2020, Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề 'Phát triển năng lượng sạch - xu thế và thách thức' do Bộ Công Thương tổ chức đã diễn ra, thu hút nhiều nhà quản lý, nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, doanh nhân. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới ghi lại một số ý kiến tại diễn đàn về những giải pháp phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của nước ta.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công thương: Thách thức lớn với phát triển NLTT

Dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng tăng 8,5-9,5%/năm. Để đáp ứng nhu cầu điện năng, từ nay đến năm 2030, mỗi năm cần tăng công suất nguồn 5.000 -7.000 MW. Đây là thách thức rất lớn.

Trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống như điện, than, thủy điện đều hạn chế, sự phát triển NLTT cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ. Bản chất của NLTT là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức là làm sao để vừa phát triển NLTT nhanh và mạnh, vừa bảo đảm sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.

Thị trường NLTT Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh diễn ra mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu các chuỗi sản xuất, cung ứng trên thế giới sau đại dịch Covid-19. Để bảo đảm công bằng, hài hòa lợi ích của các bên, của cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương cần tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, giải pháp, bài học kinh nghiệm trong nước cũng như quốc tế và hợp tác cùng hành động tháo gỡ khó khăn, hóa giải các “điểm nghẽn” để phát triển NLTT tại Việt Nam.

Thách thức nào với năng lượng tái tạo?

Thách thức nào với năng lượng tái tạo?

Ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Tạo thị trường NLTT cạnh tranh

Hiện nay xu hướng tăng trưởng xanh đang lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện ở cơ cấu năng lượng. Thụy Điển, Đan Mạch, Scotland, Đức... là những quốc gia đi đầu về phát triển NLTT. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu năm 2030 đạt 30% NLTT trong cơ cấu điện năng.

Mới đây, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu phát triển NLTT Việt Nam đến năm 2030 đạt 20% (gấp đôi mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII). Tổng sơ đồ Quy hoạch điện VIII cần phải cụ thể hóa mục tiêu đó để Việt Nam có tên trong bản đồ NLTT thế giới.

Cần phải tạo ra cơ chế chính sách để tự do hóa, tạo thị trường NLTT cạnh tranh, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đương nhiên không phân biệt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, nếu có cơ chế thông thoáng thì sẽ có sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp tư nhân trong tham gia phát triển hệ thống truyền tải điện. Làm được điều đó sẽ huy động được tất cả nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia phát triển NLTT. Đây là sự nghiệp lớn cần có sự chung tay của nhiều chủ thể, nhà quản lý, chính quyền địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, hộ gia đình.

TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Trong cơ luôn có nguy

Ngành năng lượng Việt Nam đang phải đối diện với nhiều nguy cơ trong tương lai. Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn của dòng đầu tư dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc. Chúng ta xem đó là cơ hội, nhưng tôi luôn thấy trong cơ có nguy. Một trong những cái nguy là khi dòng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam đến một mức độ nào đó sẽ gây căng thẳng về cung - cầu năng lượng.

Một khía cạnh khác của việc dịch chuyển đầu tư là sự thay đổi trong cấu trúc kinh tế của Việt Nam. Chúng ta đang cố gắng dịch chuyển từ hệ thống tiêu dùng năng lượng kiểu cũ sang đẳng cấp phát triển khác, công nghiệp phải khác, đô thị cũng phải khác... Tôi không hiểu ngành năng lượng đã tính được khi chúng ta chuyển sang kinh tế công nghệ cao, kinh tế số thì nhu cầu năng lượng tăng lên như thế nào? Mặt khác, tính bất ổn của nền kinh tế thế giới đang ngày càng bộc lộ rõ. Vậy cách tiếp cận về phát triển điện năng trong điều kiện thế giới bất ổn là gì?

Điều tôi hết sức trăn trở là hiện nay các dự án NLTT như điện gió, điện mặt trời có công suất lớn chủ yếu tập trung ở những vùng liên quan đến an ninh quốc gia. Vì thế, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương xem xét lại những điều kiện đối với các dự án NLTT, tránh rủi ro, vì phát triển năng lượng không chỉ là bảo đảm an ninh năng lượng mà còn phải bảo đảm an ninh quốc gia.

Một vấn đề cần phải lưu ý, đó là nguồn NLTT bổ sung cho nguồn năng lượng truyền thống liệu có đáp ứng đủ nhu cầu cho tương lai hay không? Nếu không đáp ứng được thì cần tính tới những giải pháp nào?

Ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau: Đẩy nhanh tiến độ các dự án NLTT

Cà Mau có thuận lợi về mặt địa hình và điều kiện gió biển mạnh khoảng 6,3-7,0 m/s ở độ cao 80-100m nên tiềm năng khai thác điện gió ven biển rất lớn. Về điện mặt trời, với lợi thế số giờ nắng trung bình 2.000-2200 giờ/năm nên Cà Mau cũng có nhiều thuận lợi để khai thác nguồn năng lượng này.

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Cà Mau đã tiếp và làm việc với rất nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước đến tìm hiểu các dự án NLTT cũng như các dự án điện khí. Đến nay đã có trên 30 nhà đầu tư chính thức tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất thực hiện các dự án với tổng công suất khoảng 12.000 MW.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án NLTT, đề nghị cơ quan có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đối với dự án thuận lợi về đất đai, đồng thời bổ sung vào Quy hoạch điện VIII đường dây và trạm biến áp 500 kV về đến tỉnh Cà Mau; đường dây 220 kV kết nối mạch vòng từ 3 phía Đông, Tây, Nam để thuận tiện cho việc giải phóng công suất nguồn điện của các dự án..

Minh Loan (ghi)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thach-thuc-nao-voi-nang-luong-tai-tao-573091.html