Thách thức quản lý 500km đường cho xe đạp ở Philippines
Chỉ trong 2 năm, Philippines đã xây dựng gần 500km làn đường dành riêng cho xe đạp, nhằm giảm tắc nghẽn tại đô thị.
Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng việc này cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý.
Từ nỗ lực thần tốc…
Xe đạp bắt đầu trở thành phương tiện phổ biến tại Philippines sau khi giới chức đảo quốc Đông Nam Á thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, trong đó có hạn chế đi lại, tạm dừng hoạt động phương tiện công cộng để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Do đó, nhiều người dân tìm đến xe đạp, vừa để di chuyển dễ dàng vừa để nâng cao sức khỏe.
Dựa vào đây, Chính phủ Philippines nhanh chóng phân bổ hơn 22 triệu USD cho việc xây dựng hạ tầng, kỳ vọng có thể giảm tắc nghẽn, khí thải, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Philippines thực hiện chương trình xây dựng làn đường xe đạp lớn nhất trong lịch sử nước này - gần 500km xuyên Metro Manila (vùng thủ đô), Metro Cebu và Metro Davao, riêng tại Metro Manila, con số này là 313km trong 9 tháng.
Tại Metro Manila, làn đường có chiều rộng khoảng 1,5- 3m, tùy thuộc từng đường, có cọc tiêu bằng bê tông hoặc bằng cao su để ngăn cách với các xe cơ giới. Đường cũng có vạch báo hiệu sơn màu trắng- xanh, biển báo xe đạp, đinh phản quang và giá đỡ xe đạp...
Theo thống kê của Bộ Giao thông Philippines (DOTr), mỗi làn đường cho xe đạp có thể phục vụ 1.250 xe đạp/giờ/m đường.
Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) từng nhận định, chặng đường Philippines thiết kế, thông qua và xây dựng hàng trăm km hạ tầng làn đường xe đạp chỉ trong thời gian ngắn không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Hoạt động này có sự hỗ trợ của Đội ngũ chuyên về giao thông vận tải của World Bank Philippines, Cơ sở An toàn Đường bộ Toàn cầu (GRSF), với nguồn vốn từ tổ chức phi lợi nhuận Bloomberg Philanthropies và Chính phủ Australia tham gia hỗ trợ kỹ thuật.
Cô April, một người dân Philippines cho biết, trong thời gian dịch bệnh, khi chính phủ thông báo mở rộng phong tỏa, tạm dừng hoạt động của phương tiện công cộng, vì không có ô tô để tới bệnh viện dã chiến ở Metro Manila, nên cô đã chọn cách đi xe đạp tới bệnh viện.
Vì chưa bao giờ nghĩ một ngày sẽ đi xe đạp đi làm nên những ngày đầu, cô hết sức lo sợ khi phải rong ruổi hàng km bằng chiếc xe đạp mỏng manh trên những con đường lớn. Dần dà, April cũng quen và tự tin hơn. Đến nay, dù dịch bệnh đã tạm lui nhưng cô vẫn dùng xe đạp đi làm.
…Đến “đau đầu” trong quản lý
Bên cạnh nhiều lợi ích, không ít làn đường dành cho xe đạp tại Philippines đang trở thành thách thức về quản lý của giới chức Philippines bởi khi dịch bệnh phần nào tạm lắng, đường phố trở về với tình trạng đông đúc và tắc nghẽn giờ tan tầm như thường lệ. Tình trạng vi phạm làn đường, TNGT liên quan tới xe đạp ngày càng phổ biến.
Ghi nhận về thực trạng làn đường dành cho xe đạp tại Philippines, báo Philstar từng chỉ ra, hiện nay, các quan điểm thiết kế làn đường cho xe đạp ở Philippines chưa đồng bộ: có nơi ở rìa đường, có nơi lại nằm giữa đường.
Bên cạnh đó, tình trạng người đi ô tô chen lấn, vi phạm làn đường dành cho xe đạp diễn ra thường xuyên. Chưa kể, kế hoạch tiếp tục phát triển làn đường dành cho xe đạp gặp nhiều trở ngại.
Trong khi đó, gần đây, tổ chức phi lợi nhuận AltMobility PH. cũng công bố một báo cáo cho rằng, việc chỉ lắp đặt các làn đường vĩnh viễn dành riêng cho xe đạp là chưa đủ và chưa thể tạo ra một hệ thống hữu ích cho cộng đồng người dùng xe 2 bánh.
Tổ chức này cho rằng, chất lượng làn đường tại Philippines chưa đạt chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vì không gian hẹp, nhiều ổ gà, chướng ngại vật; Người dùng ô tô, xe máy còn thiếu ý thức tuân thủ quy định về làn đường dành cho xe đạp; Thiếu chỗ đỗ xe đạp tại các tòa nhà, văn phòng.
Bên cạnh đó, số người thương vong vì TNGT liên quan tới xe đạp cũng tăng mạnh. Dữ liệu do Cơ quan Phát triển Metro Manila (MMDA) chỉ ra, số vụ tai nạn liên quan tới xe đạp ở vùng thủ đô đã tăng phi mã, lên 2.606 vụ trong năm 2020 so với thời điểm trước dịch là 1.759.
Nghị sĩ Philippines Michael Defensor cho rằng, con số trên vẫn chưa phải là thống kê đầy đủ vì mới chỉ bao hàm những vụ tai nạn được báo cáo, có tài liệu ghi nhận. Theo ông, con số này trên thực tế còn cao hơn nhiều.
Cách đây ít lâu, đã xảy ra vụ 2 người đi xe đạp bị một xe van đâm tử vong trong khi đang dừng nghỉ trên vỉa hè ở TP Pasay. Trước nữa, có nhiều người đi xe đạp bị thương hoặc thiệt mạng vì tình trạng lái xe cẩu thả, cấu trúc đường không an toàn.
Vấn nạn lấn làn
Trong một bài phỏng vấn với Philstar về chương trình phát triển đường dành riêng cho xe đạp tại TP San Juan, thuộc Metro Manila, ông Brian Geli – quan chức phụ trách về thông tin của TP San Juan cũng chia sẻ, thách thức lớn nhất của chính quyền thành phố là chi phí tăng cường an ninh và gia cố, thay thế cọc tiêu phân biệt làn đường cho xe đạp. Bởi lẽ rất nhiều người đi xe máy, ô tô thường lấn sang làn dành cho xe đạp để tránh tắc đường.
Ông Brian Geli chỉ ra, từ hàng trăm cọc tiêu trên các làn đường dành cho xe đạp của thành phố, đến nay chỉ còn chưa đầy 100. Dù đã huy động cảnh sát giao thông, nhân sự từ Văn phòng An toàn và trật tự công cộng để tuần tra nhưng tình hình không được cải thiện nhiều.
Trăn trở về vấn đề này, ông Geli cho rằng, điều mà các thành phố như San Juan cần để có thể duy trì và phát triển hơn nữa các làn đường dành riêng cho xe đạp, hướng tới giao thông xanh là sự thay đổi lối suy nghĩ và văn hóa giao thông của người dân. “Không bao giờ có thể có đủ lực lượng thực thi pháp luật để giám sát tất cả các tuyến đường dành cho xe đạp nếu người dân không có ý thức kỷ luật và văn hóa tham gia giao thông”, ông nói.
Đồng thời, báo Philstar cũng dẫn lời các chuyên gia kiến nghị Chính phủ Philippines cần có hạ tầng, chính sách dành cho người đi xe đạp bắt kịp với xu hướng lượng người sử dụng xe đạp tăng cao, chẳng hạn như luật hóa việc xây dựng thêm bãi đỗ cho xe đạp.
Theo thống kê của Tổ chức Social Weather Stations, 42% hộ gia đình tại Philippines (tương đương 2,6 triệu hộ) khẳng định sử dụng xe đạp nhiều hơn trước đây.
Để tăng cường hỗ trợ người sử dụng xe đạp, mới đây, tháng 3/2022, Bộ Giao thông Philippines đề nghị Google đưa làn đường dành cho xe đạp vào ứng dụng định vị theo thời gian thực tạo thuận tiện cho người đi xe 2 bánh.