Thách thức tìm tiếng nói chung về vấn đề người di cư

Quốc hội Italy vừa thông qua dự luật nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với tàu của các tổ chức phi chính phủ đưa người di cư được giải cứu trên Ðịa Trung Hải đến Italy. Ðộng thái này đe dọa làm gia tăng những căng thẳng kéo dài giữa Rome và Liên hiệp châu Âu (EU) về vấn đề người di cư.

Người di cư được giải cứu trên Ðịa Trung Hải. Ảnh Reuters

Người di cư được giải cứu trên Ðịa Trung Hải. Ảnh Reuters

Theo dự luật mới được Quốc hội Italy thông qua, các tàu tìm kiếm và cứu nạn xâm nhập trái phép lãnh hải Italy có thể bị thu giữ và thuyền trưởng tàu vi phạm sẽ bị phạt 1,12 triệu USD. Liên hợp quốc đã ngay lập tức bày tỏ lo ngại về quy định mới của Rome. Trong một tuyên bố, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) nhấn mạnh, quy định này có thể gây cản trở hoạt động cứu nạn trên biển.

Ðộng thái nêu trên của Italy diễn ra trong bối cảnh thời gian gần đây, căng thẳng giữa Rome và EU về vấn đề người di cư gia tăng khi Italy từ chối tiếp nhận những người di cư được giải cứu trên biển. Mới đây, tàu cứu hộ Alan Kurdi của tổ chức phi chính phủ Ðức Sea-Eye chở 40 người di cư đã bị chặn bên ngoài hải phận của Italy. Trước đó, hơn 160 người di cư, được các tàu của tổ chức phi chính phủ Ðức và Tây Ban Nha cứu, đã mắc kẹt trên biển do không thể cập cảng Italy.

Trong khi đó, Italy cũng tuyên bố phản đối "cơ chế đoàn kết" mới do Ðức và Pháp đề xuất liên quan việc phân bổ người di cư. Theo đề xuất, từ nay đến tháng 10 tới, các nước EU sẵn sàng tiếp nhận người di cư vào bất cứ thời điểm nào họ lên bờ sau khi được các tàu cứu hộ giải cứu. Tổng thống Pháp E.Macron cho biết, 14 nước thành viên EU đã ủng hộ cơ chế nêu trên và tám nước khác thông báo sẽ tích cực hợp tác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Italy M.Salvini khẳng định, Rome phản đối vì cho rằng biện pháp trên tiếp tục khiến nước này trở thành "trại tị nạn" ở châu Âu và gây khó khăn cho nỗ lực trục xuất người di cư bất hợp pháp ở các quốc gia tuyến đầu.

Theo Hệ thống tị nạn chung châu Âu, vốn được thiết lập trên cơ sở Thỏa thuận Dublin, người tị nạn phải đăng ký các thủ tục tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân đến và quốc gia đó có trách nhiệm giải quyết yêu cầu xin tị nạn. Vì vậy, Italy với vị trí cửa ngõ châu Âu, đã gặp nhiều khó khăn khi dòng người di cư tràn vào "lục địa già". Từ năm 2018, Chính phủ Italy đã kiên quyết đóng cửa nhiều cảng biển để ngăn chặn dòng người di cư vào nước này, đồng thời kêu gọi các nước thành viên EU san sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư. Ngoài ra, Rome cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn sửa đổi Thỏa thuận Dublin và đưa ra các quy định mới đối với những tàu cứu hộ người di cư trên Ðịa Trung Hải.

Trong khi những căng thẳng với Italy về vấn đề người di cư gia tăng trong thời gian gần đây, EU vẫn chưa thể thống nhất một giải pháp toàn diện để giải bài toán hóc búa này. Kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát, EU đã đưa ra khá nhiều biện pháp quyết liệt và phần nào hạn chế được dòng người di cư trái phép. Tuy nhiên, do thiếu sự nhất quán, các nỗ lực của EU chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Tiêu biểu có thể kể đến kế hoạch tái phân bổ người tị nạn, theo đó những người di cư đến châu Âu tìm kiếm quy chế tị nạn tập trung tại hai nước Hy Lạp và Italy sẽ được phân bổ đến các nước khác trong EU, nhằm giảm gánh nặng cho các quốc gia "cửa ngõ". Tuy nhiên, mục tiêu này cho đến nay vẫn chưa hoàn thành do vấp phải một loạt trở ngại, trong đó có sự phản đối của các nước Séc, Hungary và Ba Lan.

Tình trạng mất cân bằng trong chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư giữa các quốc gia thành viên EU có nguy cơ tiếp tục châm ngòi cho những bất đồng nội bộ, đe dọa sự thống nhất của khu vực. Nhiều chuyên gia cho rằng, yêu cầu cải cách để hoàn thiện hệ thống tị nạn châu Âu đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư và giữ gìn sự đoàn kết của EU.

HIẾU THIỆN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/41322902-thach-thuc-tim-tieng-noi-chung-ve-van-de-nguoi-di-cu.html