Thách thức trong đảm bảo cấp nước đô thị

Nguồn nước mặt ngày càng ô nhiễm; nguồn nước ngầm dần suy kiệt gây thiếu hụt lượng nước cấp vào mùa khô; khó khăn trong việc thu hút đầu tư, lựa chọn, chuyển đổi mô hình cấp nước tập trung hiện có…là những thách thức Vĩnh Phúc cần giải quyết để đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững kinh tế, xã hội.

Nhân viên Công ty CP Nước sạch Vĩnh Phúc kiểm tra, vệ sinh khu vực bể chứa nước thô tại thành phố Phúc Yên

Nhân viên Công ty CP Nước sạch Vĩnh Phúc kiểm tra, vệ sinh khu vực bể chứa nước thô tại thành phố Phúc Yên

Nước sạch đóng vai trò quan trọng phục vụ nhu cầu dân sinh, cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong điều kiện quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng tăng nhanh, dân cư đông đúc, áp lực lên hệ thống cấp nước ngày càng lớn.

Hiện nay, hệ thống cấp nước sạch cho các đô thị trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện bởi cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Trong đó, Công ty CP Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc quản lý hệ thống cấp nước tại địa bàn thành phố Vĩnh Yên và các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên, Lập Thạch với công suất hơn 56 nghìn m3/ ngày.đêm.

Công ty CP Nước sạch Vĩnh Phúc quản lý hệ thống cấp nước khu vực thành phố Phúc Yên; thị trấn Hương Canh, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) với công suất thiết kế hơn 28 nghìn m3/ngày.đêm. Công ty CP đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc quản lý hệ thống cấp nước khu vực thị trấn Tam Sơn và các xã lân cận huyện Sông Lô với công suất thiết kế 16 nghìn m3/ ngày.đêm.

Ngoài ra còn có hệ thống cấp nước thị trấn Vĩnh Tường do UBND huyện Vĩnh Tường quản lý, vận hành; hệ thống cấp nước thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) do do Công ty CP cấp nước Vĩnh Phúc quản lý, vận hành; hệ thống cấp nước thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường), thị trấn Hoa Sơn (Lập Thạch) do Trung tâm Nước sạch & VSMT nông thôn quản lý, vận hành; hệ thống cấp nước thị trấn Bá Hiến (Bình Xuyên) do Công ty CP cấp nước Setfin Vĩnh Phúc quản lý vận hành.

Tổng công suất cấp nước tại các đô thị trên địa bàn tỉnh đạt hơn 134 nghìn m3/ngày.đêm. Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đạt trên 73% (riêng thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên đạt khoảng 93%); mức cấp nước toàn tỉnh bình quân 115 lít/người/ngày.đêm.

Qua đánh giá, nhìn chung hệ thống cấp nước đô thị hiện có cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp nước phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên về lâu dài cần có những giải pháp để đảm bảo cấp nước khi dân cư và các hoạt động kinh tế, xã hội tăng lên.

Bởi trên thực tế hiện nay, một số thị trấn (Gia Khánh, Hợp Châu) chưa có công trình cấp nước tập trung, một số đô thị có công trình cấp nước tập trung nhưng tỷ lệ bao phủ dịch vụ thấp như Đại Đình, Bá Hiến, Đạo Đức, Tứ Trưng, Hoa Sơn, Tam Sơn, Hợp Hòa…Nguồn nước sử dụng cấp cho đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên chủ yếu là nguồn nước ngầm, có hiện tượng thiếu hụt nguồn nước cấp trong mùa khô.

Việc lựa chọn đơn vị cấp nước chưa huy động được nhiều các doanh nghiệp đầu tư do chưa có quy định về năng lực đơn vị cấp nước hay điều kiện nhà đầu tư thực hiện dịch vụ cấp nước.

Bên cạnh đó, theo chủ trương, nhà nước sẽ thực hiện thoái 100% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cấp nước hiện nay. Như vậy sẽ xảy ra vướng mắc, khó khăn trong việc điều hành cũng như việc bàn giao tài sản công trình cấp nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cho doanh nghiệp cấp nước.

Ngoài ra, một số nơi, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức về công tác cấp nước sinh hoạt, nhận thức của một bộ phận người dân về sử dụng nước sạch còn chưa đầy đủ, không sử dụng nước sạch từ hệ thống cung cấp nước sạch tập trung mặc dù đã được đầu tư xây dựng, điển hình là thị trấn Yên Lạc…

Để đảm bảo cấp nước bền vững trong tương lai, theo đề xuất của các cơ quan chuyên môn, thời gian tới, tỉnh cần xem xét chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương rà soát hiện trạng, dự báo nhu cầu cấp nước đô thị, khu công nghiệp và định hướng cấp nước các giai đoạn 2020-2025, 2026-2030 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

Triển khai lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; giám sát các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước; quản lý việc cấp phép khai thác, xả thải và sử dụng tài nguyên nước đảm bảo an toàn cấp nước.

Tăng cường giám sát đánh giá đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch đã được quyết định chủ trường đầu tư, đôn đốc đảm bảo tiến độ. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký, xem xét việc ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định.

Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực đầu tư cho các phát triển hệ thống cung cấp nước sạch, nâng cao tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

Tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức người dân sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường phát huy hiệu quả khai thác công trình cấp nước tập trung, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước sạch tiết kiệm và an toàn.

Đồng thời, triển khai xác định vùng thỏa thuận dịch vụ cấp nước để các đơn vị cấp nước ký kết thỏa thuận với UBND các cấp nhằm ràng buộc quyền hạn và nghĩa vụ của các bên trong việc bảo đảm dịch vụ cấp nước theo quy định.

Qua đó, bảo đảm hài hòa quyền lợi hợp pháp của đơn vị cấp nước và cộng đồng, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước với giá cả hợp lý có sự kiểm soát của nhà nước, tránh tình trạng tranh chấp vùng cấp nước giữa các đơn vị cấp nước ảnh hưởng đến các mục tiêu chung…

Giám đốc Công ty CP Nước sạch Vĩnh Phúc Ngô Trường Giang nhấn mạnh, cùng với các giải pháp chủ động, quyết liệt của các cấp chính quyền, vấn đề cốt lõi là phải nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước; sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bởi nước ngọt không phải là tài nguyên vô tận, nếu không giữ gìn, bảo vệ từ hôm nay, thì tương lai chắc chắn sẽ suy kiệt.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76190/thach-thuc-trong-dam-bao-cap-nuoc-do-thi.html