Thách thức trong phẫu thuật cắt đại tràng không truyền máu cho bệnh nhân ung thư

Phẫu thuật mổ tắc ruột do u đại trực tràng là phẫu thuật cấp cứu với nhiều biến chứng và rủi ro nhưng bệnh nhân không muốn truyền máu người khác vào cơ thể trong quá trình phẫu thuật.

Bệnh nhân xuất viện sau 1 tuần điều trị dinh dưỡng và phẫu thuật không cần truyền máu.

Bệnh nhân xuất viện sau 1 tuần điều trị dinh dưỡng và phẫu thuật không cần truyền máu.

Ông Nguyễn Trọng Trí (Hà Nội) bị sụt 20kg, đi khám phát hiện u đại tràng và được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh bày tỏ mong muốn không truyền máu người khác vào cơ thể trong quá trình phẫu thuật. Ông Trí bị tất cả các bệnh viện từ chối điều trị. Ông nhịn ăn và nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch tại nhà.

Cuối tháng 5, ông tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Tại đây, người bệnh được chẩn đoán ung thư đại trực tràng (khối u kích thước 3x3cm), tắc ruột và suy dinh dưỡng kéo dài do nhịn ăn.

Thấu hiểu, đồng cảm và tôn trọng tín ngưỡng của người bệnh, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Dũng - bác sĩ cao cấp Ngoại Tổng hợp đồng ý yêu cầu phẫu thuật không truyền máu người khác vào cơ thể bệnh nhân.

Ông Trí được cân nhắc, tư vấn về yếu tố nguy cơ và những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình phẫu thuật.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, do ăn ít quá lâu, cơ thể mất trên 25% trọng lượng, người bệnh được chẩn đoán hội chứng refeeding (rối loạn nước và điện giải). Với tình trạng hiện tại, nếu thực hiện phẫu thuật, người bệnh sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro.

Vì vậy, người bệnh cần được xây dựng phác đồ dinh dưỡng đặc biệt để bảo đảm nhịp tim, nhịp thở, huyết áp... ổn định và đủ điều kiện tiến hành phẫu thuật.

Sau 3 ngày nuôi dưỡng, cơ thể người bệnh đáp ứng tốt, đủ điều kiện phẫu thuật. Ca mổ được tiến hành thành công.

Chia sẻ về ca phẫu thuật, bác sĩ Dũng cho biết, mổ tắc ruột do u đại trực tràng là phẫu thuật cấp cứu với nhiều biến chứng và rủi ro. Ở trường hợp của ông Thái, phẫu thuật không truyền máu là một thách thức do các quai ruột của người bệnh đã giãn to. Nguy cơ gây chảy máu, tổn thương lá lách rất lớn.

Trong quá trình phẫu thuật, đòi hỏi bác sĩ phải tính toán kỹ để hạn chế tối đa nguy cơ mất máu, không gây ảnh hưởng tới các cơ quan lân cận.

Nhờ sự can thiệp kịp thời về dinh dưỡng và sự cẩn thận tỉ mỉ trong quá trình phẫu thuật, người bệnh không cần nằm hồi sức hậu phẫu. Sau 1 tuần, người bệnh đã ăn uống tốt, đi lại bình thường và xuất viện. Người bệnh tiếp tục được theo dõi dinh dưỡng, lên thực đơn ngoại trú chi tiết để phục hồi cân nặng.

Bác sĩ Vũ Thanh chia sẻ thêm, dinh dưỡng là nhu cầu thiết yếu của con người để nuôi cơ thể và bảo đảm các hoạt động sống. Các chất dinh dưỡng cung cấp giúp con người tồn tại và phát triển.

"Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị bệnh lý rất quan trọng. Người bệnh trước và sau phẫu thuật cần được xây dựng phác đồ dinh dưỡng đặc biệt để đáp ứng quá trình điều trị, ngăn ngừa biến chứng sau phẫu thuật (nhiễm trùng, chảy máu), vết mổ nhanh liền, rút ngắn thời gian nằm viện và giảm bớt chi phí điều trị. Tuân thủ phác đồ điều trị dinh dưỡng không chỉ giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe mà còn gia tăng sức đề kháng bảo vệ cơ thể", bác sĩ Thanh nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề ăn ít hay nhịn ăn, bác sĩ Vũ Thanh khuyên, người bệnh không nên thực hiện phương pháp này. Cơ thể cần có chất dinh dưỡng để duy trì các hoạt động sống. Không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng khiến tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu, kiệt quệ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thach-thuc-trong-phau-thuat-cat-dai-trang-khong-truyen-mau-cho-benh-nhan-ung-thu-post756883.html