Thách thức từ trí tuệ nhân tạo

Các công cụ trí tuệ nhân tạo với khả năng tạo nội dung mới có thể sẽ dần hỗ trợ hoặc thay thế một số công việc trong hoạt động đưa tin của báo chí

"Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đang ngày càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống, kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực báo chí, AI cũng đang ảnh hưởng đáng kể đến cách thức hoạt động, sản xuất và tiếp cận thông tin của các tờ báo. Từ việc tự động sản xuất nội dung đến phân tích dữ liệu và tương tác với độc giả, AI đang mang đến nhiều tiềm năng và thách thức cho ngành báo chí. Bài báo này sẽ đi vào chi tiết về tác động của trí tuệ nhân tạo đến báo chí và những cơ hội, thách thức mà nó đem lại cho ngành này".

Đoạn chapeau dẫn bên trên của bài báo này do chính công cụ AI có tên ChatGPT viết ra và biên tập viên đã không phải sửa bất cứ thứ gì, dù chỉ là một dấu phẩy. Bởi nó đã nói đủ hết ý tưởng mà người viết muốn chuyển tải, 100%.

Trên thực tế, không phải đợi đến khi ChatGPT gây sốt toàn cầu thì các công cụ AI đã được đưa vào hoạt động sản xuất báo chí.

Từ năm 2017, hãng Reuters đã sử dụng công cụ News Tracer có khả năng lọc hàng triệu dòng tweet để cho ra những tin nóng dạng tiềm năng trên Twitter. Qua đó, hãng tin này sẽ khó lòng bỏ sót bất cứ sự kiện lớn nào như động đất, khủng bố... ở những nơi mà người sử dụng Twitter đăng tải. Từ đó, các phóng viên của hãng sẽ tiến hành xác minh để kịp thời đưa thông tin nóng hổi đến với bạn đọc.

Chẳng nói đâu xa, năm 2018, Báo điện tử VietnamPlus cùng Công ty Infore cũng đã cho ra mắt Chatbot để tương tác với độc giả. Nhiều tòa soạn khác tại Việt Nam cũng đã dùng người dẫn chương trình ảo cho các bản tin video, bản tin podcast hoặc phân phối tin tức trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng việc sử dụng AI vào hoạt động sản xuất báo chí là một quy trình xử lý đã được thiết lập cẩn thận trong nhiều tòa soạn. Không nên nhầm lẫn những hệ thống AI này với khả năng đưa ra "các câu trả lời ngay lập tức" (chatbot), hay việc mô phỏng hoạt động báo chí của các công cụ AI mới nổi gần đây như ChatGPT. Song dường như các công cụ AI với khả năng tạo nội dung mới (generative AI) dần sẽ có thể hỗ trợ hoặc thay thế một số công việc trong hoạt động đưa tin và lập trình. Do đó, dù thế nào thì ChatGPT vẫn tạo ra một cú hích đáng kể đối với ngành công nghiệp truyền thông, cũng như làm dấy lên những lo ngại về thách thức, mà cụ thể là vấn đề đạo đức báo chí.

Hiện nay, việc tích hợp ChatGPT vào các tòa soạn vẫn còn hạn chế, đặc biệt khi chúng ta coi nó như một công cụ sáng tạo. Các bài báo đang được sử dụng như một nguồn dữ liệu để đào tạo các thuật toán ChatGPT và về cơ bản chúng đang nuôi sống ChatGPT. Vai trò của ChatGPT là trở thành trợ lý của một biên tập viên AI.

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất và tiếp cận thông tin báo chí ngày càng trở nên phổ biến. Ảnh: CHI PHAN

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất và tiếp cận thông tin báo chí ngày càng trở nên phổ biến. Ảnh: CHI PHAN

Cách sử dụng khác liên quan tới ChatGPT chủ yếu liên quan đến hoạt động tiền xử lý (chẳng hạn như lên ý tưởng và thực hiện các nghiên cứu ban đầu trước khi viết một câu chuyện) và xử lý hậu kỳ (tạo bài đăng cho mạng xã hội, tóm tắt và tối ưu hóa một câu chuyện).

Thời gian tiết kiệm được thông qua việc sử dụng ChatGPT đúng cách trong hoạt động tiền xử lý và xử lý hậu kỳ khi bài viết được xuất bản, có thể được dùng để nghiên cứu bài viết sâu hơn và mang lại chất lượng nội dung tốt hơn. ChatGPT đôi khi vẫn mắc lỗi, vì vậy, điều quan trọng là phải nhận thức được rằng ChatGPT không hoàn hảo và không bỏ qua việc kiểm tra thông tin (fact-check).

Cũng cần nói thêm, AI có vai trò quan trọng trong cá nhân hóa nội dung của báo chí. Theo Chris Petitt, Giám đốc marketing của Zephr, một trong những công ty hàng đầu về cổng thanh toán thuê bao kỹ thuật số, cá nhân hóa đang trở thành yếu tố cốt yếu mang lại thành công đối với các tòa soạn. Còn theo INMA, một nghiên cứu gần đây cho thấy 77% Gen Z (thế hệ gắn liền với chiếc điện thoại di động) tin rằng điều quan trọng đối với các doanh nghiệp B2C (doanh nghiệp hoạt động bán hàng hướng đến người dùng) là tùy chỉnh tương tác, có thể tùy chỉnh dựa trên sở thích cá nhân. Do đó, nhiệm vụ của các tòa soạn là sử dụng AI để phân tích dữ liệu khổng lồ về hành vi, sở thích, mối quan tâm của độc giả.

Với những số liệu này, chúng ta có thể hiểu tại sao cá nhân hóa lại nhận được nhiều sự quan tâm đến vậy. Nó cho phép các tòa soạn cung cấp nội dung có liên quan sâu sắc đến đối tượng bạn đọc của mình, giúp cải thiện mức độ hài lòng và sự trung thành của người đọc. Nói một cách nôm na, một bạn đọc có sở thích về thể thao và công nghệ sẽ không hài lòng nếu mở trang báo mà thấy ngập tràn các tin tức chính trị hay giải trí và ngược lại. Do đó, cá nhân hóa đang là đích đến của nhiều cơ quan báo chí, thông qua công nghệ tự động hóa tùy biến trang tin, hay qua newsletter hoặc dịch vụ đẩy tin tức (web-push, mobile-push).

Tuy nhiên, việc phát triển cá nhân hóa cũng gặp trở ngại do các tòa soạn thiếu kỹ năng hay khó áp dụng giải pháp AI vào cơ sở hạ tầng hiện có. Muốn bổ sung kỹ năng hay công nghệ cần thiết thì lại tốn kém.

Cho đến giờ, giới chuyên gia vẫn bị chia rẽ về lợi ích và tác hại của việc đưa AI vào hoạt động sản xuất báo chí, rằng yếu tố nào sẽ ảnh hưởng lớn hơn. Xin được trích lại một câu nói của chủ tịch Polaris Media (Na Uy) Bernt Olufsen trong một buổi chia sẻ tại TTXVN cách đây vài năm: "Công nghệ đem lại cho báo chí nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng đem tới cả những thách thức mà chúng ta chưa từng đối mặt".

Nhà báo NGUYỄN HOÀNG NHẬT (Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/thach-thuc-tu-tri-tue-nhan-tao-20230620210629813.htm