Thách thức từ việc Trung Quốc kiểm soát công nghệ mới nổi

Với thị phần mạnh mẽ của Huawei trên thị trường điện thoại di động, những chính sách của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến một phần đáng kể của nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.

Biểu tượng Huawei tại văn phòng ở Reading, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng Huawei tại văn phòng ở Reading, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài phân tích đăng trên trang mạng Merics, tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc mới đây giới thiệu hệ điều hành mới của mình mang tên Harmony 2.0.

Đây được coi là thành công trong ngành khoa học-công nghệ của Trung Quốc và cũng là bước tiến trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, hệ điều hành này có thể mang lại cho Trung Quốc thêm quyền lực đáng kể trong không gian mạng.

Không giống như các đối thủ iOS và Android của Mỹ, Harmony 2.0 yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba phải thực hiện quy trình nhận dạng bằng cách cung cấp giấy tờ tùy thân, hộ chiếu và thông tin xác thực ngân hàng. Ở một mức độ nào đó, các nhà phát triển này sẽ phải tuân thủ luật pháp của Trung Quốc, bất kể họ sống ở đâu.

Các yêu cầu nghiêm ngặt này được coi là một phần làn sóng thắt chặt kiểm soát các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc. Điều đó cũng phản ánh quá trình chuyển đổi thành công của Trung Quốc sang một nền kinh tế thị trường do chính phủ chỉ đạo.

Các chính sách công nghiệp mới của Trung Quốc có sự hội nhập mạnh mẽ của các công ty công nghệ Trung Quốc. Đồng thời, Bắc Kinh tập trung vào việc phát triển các công nghệ mới nổi và sử dụng khoa học và công nghệ cho các lợi ích chính trị.

Trung Quốc đã tổ chức các phiên nghiên cứu tập thể để giới thiệu những ý tưởng mới và thiết lập bối cảnh địa chính trị. Những nền tảng cho một hệ điều hành có thể giúp mở rộng quyền lực của Nhà nước trong không gian mạng đã được đặt ra trong phiên nghiên cứu tập thể lần thứ 38 về sự phát triển của công nghệ Internet vào ngày 23/1/2007.

Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi "xây dựng và quản lý văn hóa mạng" để "truyền bá văn hóa tiên tiến" và "văn hóa tiên tiến xã hội chủ nghĩa". Ông đã thảo luận về một "môi trường mạng trong sạch" và một "trật tự mới cho việc phổ biến thông tin trực tuyến ". Sau phiên nghiên cứu này, Trung Quốc đã ngăn chặn các dịch vụ của các tập đoàn công nghệ nước ngoài như Google và Facebook, đồng thời tăng cường kiểm duyệt trực tuyến.

Dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sự can thiệp của chính phủ đã trở nên mạnh mẽ hơn. Các vấn đề liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc đã được mở rộng sang lĩnh vực không gian mạng vào năm 2017.

Khả năng đổi mới độc lập của những "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc gặp khó khăn khi họ có trách nhiệm phải giải trình với nhà nước về tất cả các vấn đề, từ công cụ tìm kiếm, dịch vụ nhắn tin đến thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử và đối tác cung cấp phần mềm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Bắc Kinh ngày 23/1/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Bắc Kinh ngày 23/1/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Tập Cận Bình cũng đã tăng cường sự hiệu quả của các phiên nghiên cứu về các công nghệ mới nổi. So với những người tiền nhiệm của mình, ông Tập đã đưa nhiều công nghệ mới nổi hơn như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) vào chương trình nghiên cứu. Mối quan tâm của ông đối với việc nghiên cứu các công nghệ mới nổi cho thấy Trung Quốc đánh giá cao tiềm năng phát triển của lĩnh vực này đối với kinh tế và coi đây là trung tâm trong phát triển chiến lược của nước này.

Năm 2020, ông Tập Cận Bình cho biết công nghệ lượng tử là một "lĩnh vực mới nổi có tầm quan trọng chiến lược" sẽ đảm bảo an ninh quốc gia, nơi Trung Quốc cần giành lấy những đỉnh cao trong cạnh tranh quốc tế. Hai năm trước đó, ông tuyên bố AI là quan trọng để Trung Quốc có thể giành chiến thắng trong cuộc đua khoa học và công nghệ toàn cầu bằng cách trở thành quốc gia tiên phong.

Việc Chính phủ Trung Quốc tăng cường chỉ đạo kinh tế sẽ tiếp tục có những tác động mang tính toàn cầu. Các yêu cầu đăng ký nghiêm ngặt của Harmony có thể áp dụng đối với người dùng hệ điều hành này, chứ không chỉ các nhà phát triển ứng dụng.

Với thị phần mạnh mẽ của Huawei trên thị trường điện thoại di động, vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong công nghệ di động 5G và sự phát triển của Internet vạn vật, những chính sách của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến một phần đáng kể của nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.

Do đó, bài viết nhấn mạnh các quốc gia nên lưu ý đến những nỗ lực tiêu chuẩn hóa các công nghệ mới nổi của Trung Quốc một cách thận trọng hơn, trong đó lưu ý ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với các cấu trúc quản trị, hợp tác về tiêu chuẩn hóa các công nghệ mới như mạng 5G hay phương tiện tự hành./.

Dương Hoa (TTXVN tại Rome)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thach-thuc-tu-viec-trung-quoc-kiem-soat-cong-nghe-moi-noi/205529.html