Thách thức và tăng trưởng bền vững
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng: 'Khi các thách thức như: giá thành tôm nuôi, khả năng truy xuất nguồn gốc, diện tích nuôi tôm đạt chuẩn ASC… được cải thiện, thị phần tôm Việt ở thị trường Tây Âu không những sẽ tăng trưởng mạnh, bền vững mà còn vươn lên chiếm vị trí hàng đầu ở thị trường này'.
Đánh giá về thị trường EU, ông Lực cho rằng, cần xem xét chung cả khối EU và Anh, bởi Anh là quốc gia tiêu thụ thực phẩm, trong đó có thủy sản hàng đầu ở đây. Mặt khác, tập quán sử dụng thực phẩm cũng như các quy định kiểm tra chất lượng sản phẩm nhập khẩu, thuế quan thủy sản của khối EU và Anh cũng không có khác biệt đáng kể. Vì vậy, nên gọi chung là thị trường Tây Âu sẽ phù hợp hơn. Tổng quan, tôm Việt hiện nay tại thị trường Tây Âu có nhiều lợi thế. Thứ nhất là nhờ hiệp định EVFTA (2020), thuế quan nhập khẩu tôm giảm theo lịch trình, trong đó, có mã giảm ngay về 0 (mã HS03061792 và mã HS03061799), giúp tăng lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tôm Việt. Thứ hai là trình độ chế biến chung tôm Việt đạt chuẩn cao của thế giới, thuận lợi trong việc thuyết phục các hệ thống phân phối cấp cao. Qua đó, giá tiêu thụ sẽ tốt hơn, có nguồn thặng dư chia sẻ trong giá mua tôm thương phẩm với người nuôi.
Trong nhiều năm qua, Tây Âu là thị trường lớn thứ 2 và có năm lớn thứ 3 của tôm Việt. Trong các nước Tây Âu thì Anh, Hà Lan, Đức, Bỉ luôn là các nước nhập khẩu tôm Việt nhiều nhất so các nước còn lại, trong đó, tôm Việt chiếm vị trí hàng đầu nhập khẩu ở Anh. Mẫu mã sản phẩm phổ biến tôm Việt bán qua thị trường này là tôm hấp, tươi IQF, tôm bao bột chiên đóng gói nhỏ bán vào các hệ thống siêu thị; tôm bao bột bán vào các hệ thống siêu thị lẫn nhà hàng. Ngoài ra, còn tôm sú nguyên con sinh thái, đặc sản vùng rừng đước Cà Mau, có giá tiêu thụ rất cao. Nhìn chung tôm Việt chiếm vị trí khá tốt trong các hệ thống phân phối cấp cao, nhờ vào đẳng cấp chế biến của mình, đã khẳng định và khách hàng tín nhiệm, nhất là tôm được nuôi ở vùng nuôi đạt chuẩn ASC.
Tuy nhiên, so đối thủ hàng đầu ở thị trường này là tôm thẻ chân trắng từ Ecuador, tôm Việt có yếu thế do giá bán cao hơn cho cùng một mẫu mã sản phẩm. Nguyên nhân, hiệu quả nuôi tôm của ta còn nhiều điều cần khắc phục như: tỷ lệ thu hồi đầu con, gắn liền quy trình nuôi; giá cả vật tư đầu vào… nhưng trình độ chế biến tôm Ecuador chỉ ở mức tôm tươi, cho nên còn dư địa cho tôm Việt, chế biến sâu hơn. Trong vài năm tới, nếu chúng ta chưa cải thiện được giá thành tôm nuôi và Ecuador nâng tầm chế biến, tôm Việt sẽ rơi vào tình huống khó khăn hơn hiện nay. Đối thủ tôm sú ở thị trường này là Bangladesh giá rẻ hơn nhưng hình thức chế biến đơn giản, cấp thấp, không đáng ngại.
Một điều khá bất ngờ khi nói về thách thức đối với tôm Việt ở thị trường Tây Âu, ông Lực khẳng định giá cả hiện chưa phải là thách thức cơ bản, mà chính vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc mới là thách thức lớn hơn cho con tôm Việt ở thị trường này. Theo ông Lực, Tây Âu là thị trường khó tính, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các lô hàng sau thông quan, còn có thể bị kiểm tra lại chặt chẽ hơn, nhiều dư chất hơn bởi bộ phận kiểm soát chất lượng của các hệ thống phân phối, nhất là những hệ thống lớn. Trong khi đó, tôm Việt nuôi nhỏ lẻ, manh mún, khó kiểm soát sẽ có nhiều rủi ro trước tình hình này. Vấn đề thứ hai là truy xuất nguồn gốc thuận lợi. Đây là đòi hỏi chung của tất cả thị trường chứ không riêng gì Tây Âu. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sự minh bạch rõ ràng hơn, không những chỉ truy xuất ao nuôi mà còn có thể đòi hỏi truy xuất cả chuỗi cung ứng (như con giống, thức ăn…), trong khi tình hình đánh mã số cơ sở nuôi tôm của chúng ta đang trì trệ khó hiểu. Đây là một nút thắt cho các doanh nghiệp chế biến để chứng minh, thuyết phục khách hàng về khả năng kiểm soát nguyên liệu của mình. Vấn đề thứ 3 là tăng trưởng thị phần phân khúc cao cấp. Ở phân khúc này, chỉ có vùng nuôi tôm đạt chuẩn ASC mới thâm nhập thuận lợi, nhưng diện tích nuôi tôm của ta đạt chuẩn này còn rất thấp. Nguyên nhân do các hộ nuôi có diện tích nuôi không lớn, khó theo đuổi chuẩn nuôi ASC vì chi phí đánh giá sẽ làm tăng chi phí không nhỏ.
Để hóa giải thách thức trên, theo ông Lực là nên có nhiều dự án kêu gọi đầu tư nuôi tôm; hình thành các trại nuôi quy mô hàng trăm hecta để có điều kiện thực hiện quy trình nuôi thâm canh hoàn chỉnh, giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho tôm Việt. Khi diện tích nuôi đạt chuẩn ASC đạt hàng trăm ngàn hecta, chắc chắn tôm Việt sẽ chiếm lĩnh phân khúc thị phần tôm cao cấp ở thị trường này, góp phần hết sức cơ bản nâng tầm tôm Việt. Tuy vẫn đánh giá Tây Âu là thị trường lớn và đầy tiềm năng đối với tôm Việt, nhưng ông Lực cũng cảnh báo tỷ lệ tăng trưởng thị phần ở thị trường này sẽ không như kỳ vọng nếu những thách thức trên không được tháo gỡ kịp thời.
Ông Lực kết luận: “Một khi chúng ta cải thiện được giá thành tôm nuôi, kiểm soát chặt chẽ dư lượng chất cấm, tăng cường đánh mã số cơ sở nuôi, tăng nhanh diện tích nuôi đạt chuẩn ASC… chắc chắn thị phần tôm Việt ở thị trường Tây Âu không những sẽ tăng trưởng mạnh, mà còn là sự tăng trưởng bền vững và tôm Việt sẽ chiếm vị trí hàng đầu ở thị trường khó tính này”.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/thach-thuc-va-tang-truong-ben-vung-56996.html