Thách thức về môi trường không thể chờ luật

Mặc dù Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) năm 2020 đã có hiệu lực, nhưng đến thời điểm này, vấn chưa thể triển khai trên thực tế vì vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa phương, khu vực vẫn gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Ghi nhận của PV Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh Giấy này đã bị UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt 350 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng từ 21/7/2021 do thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường. Để được tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp này đã phải đầu tư hệ thống xả thải tiêu chuẩn.

Ông NGUYỄN ĐỨC TUẤN, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Giấy Tiến Mạnh, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh: “Trong năm vừa qua công ty cũng bị xử lý ĐTM, sau khi bị thành phố xử phạt dn đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải và lò hơi theo quy chuẩn của thành phố để môi trường được sạch sẽ và doanh nghiệp phát triển ổn định”

Theo yêu cầu của tỉnh Bắc Ninh, hệ thống xả thải tuần hoàn của các doanh nghiệp phải chạy thử nghiệm 3 tháng, sau đó các cơ quan chuyên môn sẽ lấy mẫu nước thải kiểm định để quyết định hoạt động của nhà máy. Tuy nhiên, do chưa được tập huấn, hướng dẫn cụ thể nên việc thanh kiểm tra đành “dậm chân tại chỗ”.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG LINH, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Ninh: “Việc chậm triển khai các văn bản thi hành dưới luật gây khó khăn cho các cơ quan quản lý địa phương bởi khi luật ban hành nhưng nghị định thông tư hướng dẫn chậm hơn như hiện nay chúng tôi rất khó khăn trong việc kiểm tra và xử lý những vi phạm hiện thời bởi hiện nay vẫn chưa có nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT trong Luật Bảo vệ Môi trường.”

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc chậm ban hành Nghị định, Thông tư dẫn đến việc chậm trễ trong tập huấn, hướng dẫn đã gây nhiều bất cập trong công tác thực thi Luật. Theo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) 2020, từ 1/1/2022, các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đúng các quy định liên quan đến các thủ tục về môi trường nhưng hiện nay bộ thủ tục hành chính theo Luật 2020 vẫn chưa về đến cấp xã, chưa đáp ứng được hoạt động của các địa phương.

Ông VŨ VINH PHÚ, Chuyên gia kinh tế: “Phải chờ hướng dẫn sẽ tác động chúng ta ngăn cản việc phá hoại môi trường kể cả người dân và doanh nghiệp, vì lợi nhuận họ sẽ xả thải, vì lợi nhuận họ sẽ bám vào lợi dụng vì chưa có văn bản hướng dấn thì cứ làm và cuối cùng làm cho môi trường suy thoái nhanh hơn."

Ông NGHIÊM VŨ KHẢI, Nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:Bất cập trong vấn đề ban hành không kịp thời nó xảy ra nhiều góc độ không ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn thì không có căn cứ để phạt người ta và vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ vấn tiếp tục diễn ra và chúng ta không có chế tài. Một góc độ khác quyền công đân đc làm theo hướng dẫn của bộ nhưng Chính phủ, Bộ không hướng dẫn thì như vậy người ta không triển khai được hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền của người ta nên tôi cho rằng đây là vấn đề hết sức bất cập.”

Môi trường từ lâu đã là lĩnh vực “nóng,” được xã hội quan tâm, điều này cũng gây “sức ép” không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này của các tỉnh, thành phố. Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) 2022 kỳ vọng mở ra một giai đoạn mới trong quản lý, xử lý các vấn đề về môi trường, nhưng dù có hiệu lực vẫn phải “chậm” thi hành vì “hạ tầng” chưa sẵn sàng.
Dự kiến cuối tháng 3 này, Bộ sẽ tập huấn các quy định, chính sách của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Tuy nhiên, quá trình triển khai, làm mà vướng đến đâu thì phải tiếp tục điều chỉnh, cho đến khi vận hành trơn chu thì mới có thể triển khai Luật một cách đồng bộ, hiệu quả. Quãng thời gian từ khi Bộ Ban hành Bộ thủ tục hành chính về Môi trường, đến khi UBND các tỉnh, thành phố tiếp thu, ký quyết định cho đến khi niêm yết công khai tại bộ phận 1 cửa từ cấp xã còn rất dài, có khi đến hết quý 2/2022 Luật mới đi vào hoạt động thực chất. Việc chậm trễ sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, cá nhân, tập thể nào sẽ chịu trách nhiệm?

Thực hiện : Bích Hạnh Diệu Huyền Trương Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thach-thuc-ve-moi-truong-khong-the-cho-luat