Thách thức về nguồn đầu tư và công nghệ trong thực hiện mục tiêu NetZero
Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero với chủ đề 'Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam' đang diễn ra tại Hà Nội ngày 10-7.
Diễn đàn do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ TN-MT) tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, TS Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - nhận định, những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng. Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết tại COP26, đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.
Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn và có công nghệ phù hợp trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo để có thể đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định. Chính vì vậy, theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 134,7 tỷ USD (13,4 tỷ USD/năm), nhưng 3 năm qua mới thực hiện được khoảng 30 tỷ USD (8,5 tỷ USD/năm). Như vậy, trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư tới 105 tỷ USD (16,1 tỷ USD /năm).
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện từ nay đến năm 2030 lên tới 105 tỷ USD (16,1 tỷ USD /năm).
Trong khi đó, quy định pháp luật hết sức cần thiết về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi; khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (hướng tới mục tiêu năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu),... chưa được ban hành. Các quy định về huy động các nguồn điện linh hoạt, khung giá mua bán điện với hệ thống pin lưu trữ (BESS) và thủy điện tích năng... chưa có. Công nghệ - nhiên liệu xanh cho công nghiệp và giao thông vận tải như công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa thị trường hóa; công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon còn nhiều thách thức, giá thành cao...
Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp sẽ thảo luận về những cơ hội cũng như những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, đề xuất nhiều giải pháp để phát triển nguồn năng lượng mới.
Diễn đàn cũng bàn luận các vấn đề về xu hướng sử dụng năng lượng LNG trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; thực tế triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam; tiềm năng và thách thức trong phát triển các nguồn năng tái tạo; đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới. Đặc biệt các chuyên gia, tổ chức nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đi trước, đồng thời đưa ra khuyến nghị cho lộ trình chuyển dịch năng lượng hiệu quả của Việt Nam.