Thách thức việc làm cho sinh viên mới ra trường

ĐBP - Những năm gần đây, cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học đã và đang phải chịu nhiều áp lực về việc làm. Chính vì thế mà điệp khúc: Tốt nghiệp rồi... thất nghiệp đang là trăn trở của không chỉ sinh viên, phụ huynh mà của toàn xã hội.

Học viên đăng ký học tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kĩ thuật Điện Biên.

Vỡ mộng” sau tốt nghiệp...

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn cách đây gần 2 năm, nhưng cũng từ thời điểm đó đến nay em Nguyễn Huyền Trang, xã Thanh An (huyện Điện Biên) đang bán hàng cho một hãng thời trang trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Trang cho biết, vì thích ngành sư phạm nên từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông đã ấp ủ ước mơ được làm cô giáo. Mơ ước đó đã gần như trở thành hiện thực khi Trang đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 4 năm đèn sách, nỗ lực học tập mong sau này ra trường có việc làm ổn định, cao hơn nữa là theo đuổi ước mơ của mình, thế nhưng mọi chuyện đều không như em nghĩ. “Sau vài lần nộp hồ sơ ứng tuyển không thành công, em muốn trở lại Hà Nội để xin việc. Nhưng gia đình không muốn con gái xa bố mẹ nên em đành ở lại đây và xin làm việc tại cửa hàng thời trang. Thu nhập cơ bản cũng ổn, chỉ là không làm đúng ngành nghề, công việc mình thích” - Trang bộc bạch.

Hoàn cảnh cũng không khác nhiều so với Nguyễn Huyền Trang, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên năm 2016, em Vì Văn Cường, xã Luân Giói (huyện Điện Biên Đông) đã làm nhiều ngành, nghề khác nhau, như: Phụ hồ, thợ xây, công nhân tại một số nhà máy ở tỉnh Thái Nguyên… Hiện tại, em đang làm công nhân lái máy xúc cho một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn huyện. Em Cường cho biết, làm công nhân khá vất vả. Ngoài làm việc 8 giờ/ngày, nhiều lúc phải tăng ca vì kinh tế gia đình khó khăn. Công việc vất vả thế, nhưng với tôi đây là cơ hội tốt nhất ở thời điểm hiện tại.

Không chỉ những người đã tốt nghiệp như em Nguyễn Huyền Trang, hay em Vì Văn Cường mang đầy nỗi trăn trở, hiện nay, nhiều sinh viên dù chưa ra trường nhưng đã lo lắng cho công việc của mình sau này. Em Lường Thị T., sinh viên năm thứ nhất, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên chia sẻ: Gia đình luôn ủng hộ, đồng hành cùng em trong việc học tập với hi vọng sau này thoát li khỏi nông nghiệp. Nhưng nhìn thực trạng hiện nay thì em nghĩ, để tìm được công việc đúng ngành mình học rất khó. Chỉ mong sao sau này ra trường, có công việc, dù là trái ngành em cũng thấy hài lòng.

Câu chuyện tốt nghiệp, rồi thất nghiệp đang trở thành vấn đề đáng lo cho nhiều sinh viên. Mỗi năm, tỉnh ta có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng là trái ngành.

Đổi mới tư duy nghề nghiệp

Khắc phục tình trạng nhiều sinh viên sau ra trường không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng trái với ngành nghề đã học, thời gian qua, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở đã được ngành Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm. Thông qua công tác hướng nghiệp, không chỉ giúp học sinh hiểu về nghề để lựa chọn cho mình một ngành phù hợp với sở thích, năng lực mà còn phù hợp hoàn cảnh gia đình cũng như nhu cầu của xã hội.

Thầy Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông huyện Điện Biên chia sẻ: Do học sinh ở đây đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, mỗi em đều có hoàn cảnh gia đình, năng lực học tập khác nhau nên hàng năm Trường luôn xác định công tác hướng nghiệp là hoạt động quan trọng. Điều này không chỉ giúp học sinh hiểu, nhìn nhận năng lực bản thân một cách khách quan mà còn giúp các em có bước đi vững trên con đường sự nghiệp sau này. Chính vì thế, trong giờ học, giáo viên sẽ giới thiệu, phân tích đặc điểm của một số ngành nghề, yêu cầu cần thiết để đáp ứng với từng lĩnh vực nghề; bên cạnh đó, kịp thời nắm bắt nguyện vọng, sở thích, khuyến khích, động viên các em đăng kí vào các trường chuyên nghiệp, hoặc trường nghề theo khả năng của mình.

Không chỉ được định hướng ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình khi còn học phổ thông, những năm gần đây, nắm bắt xu thế và nhu cầu của thị trường, các cơ sở đào tạo, các trường cao đẳng, đại học cả nước đã và đang chủ động thực hiện phương châm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường. Đơn cử như tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kĩ thuật Điện Biên, từ năm học 2019 - 2020 đã thực hiện đào tạo song song 2 chương trình cho học sinh học hết lớp 9: Vừa học văn hóa phổ thông để thi tốt nghiệp THPT vừa học ngành/nghề, khi ra trường sẽ có 2 bằng để lập nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, Trường còn tăng cường, mở rộng đào tạo các ngành, nghề thuộc hệ trung cấp. Do vậy, 2 năm qua, các chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng luôn vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2020, đạt 145,5%; năm 2021 đạt 109,08%.

Còn tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên, ngoài đào tạo các ngành, nghề hệ cao đẳng, trung cấp, Trường còn chú trọng đào tạo hệ sơ cấp. Riêng trong năm học vừa qua, tuyển sinh hệ trung cấp của Trường đạt 260,4% (263/101 chỉ tiêu); hệ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng đạt 189,3% (2.262/1.195 chỉ tiêu). Ông Trương Trường Giang, Phó trưởng phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học cho biết: Trường Cao đẳng Nghề nói chung, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay nói riêng cũng đã quan tâm thực hiện mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tăng cường trao đổi hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phát huy hiệu quả mô hình đào tạo gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở tất cả ngành nghề và tổ chức cho giáo viên, học sinh sinh viên đi thực hành, thực tế sản xuất tại các nhà máy, công trình, công xưởng trong quá trình đào tạo, đảm bảo đầu ra qua sự cam kết tuyển dụng của doanh nghiệp sau đào tạo. Chính vì thế, số lượng học sinh sau tốt nghiệp bậc học phổ thông đến học tập tại đơn vị khá đông, từ đó mở ra cơ hội việc làm lớn cho các em sau khi ra trường.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/199921/thach-thuc-viec-lam-cho-sinh-vien-moi-ra-truong