Thái Bình duy trì kết quả phổ cập giáo dục ở mức độ cao
Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã có nhiều giải pháp để củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ bằng các hình thức khác nhau nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh và người dân.
Một số kết quả bước đầu đáng chú ý
Ngày 20/4, đoàn công tác liên ngành của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc tại tỉnh Thái Bình về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị khóa X về "Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn".
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Dương Ngô Minh Nam - Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ. Về phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Trịnh Hoài Thu cùng đại diện một số vụ, cục liên quan. Về phía tỉnh Thái Bình có ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Trần Thị Bích Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Văn Lễ - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình nhấn mạnh, thực hiện Chỉ thị số 10 ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị khóa X; Hướng dẫn số 44 ngày 9/4/2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tư số 19 ngày 12/6/2012 "Về đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn".
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục & Đào tạo chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác phổ cập giáo dục; xóa mù chữ và phong trào khuyến học của tỉnh. Thái Bình là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. 8/8 huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, cụ thể hóa các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong Nghị quyết.
Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục mầm non được cấp ủy, chính quyền quan tâm xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia. Đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 267/300 (89%) trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đủ 1 phòng học/lớp mẫu giáo 5 tuổi. 100% các lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định.
Ngành Giáo dục cũng chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng tích hợp và phát huy tính tích cực của trẻ; trong đó tập trung tổ chức điểm các chuyên đề mang tính đặc thù, sáng tạo, đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ, nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ.
Ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thời gian qua, đơn vị này đã ban hành nhiều hướng dẫn tới các cơ sở giáo dục trực thuộc triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, nhất là thích ứng với bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Hiện tại, Thái Bình có 100% trẻ 6 tuổi huy động vào lớp 1, không có trẻ trong độ tuổi bỏ học; 97,4% học sinh được học 9-10 buổi/tuần. Bình quân đạt 1,5 giáo viên/lớp, 83% giáo viên đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo. Với cấp THCS, toàn tỉnh có 100% học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào học lớp 6. Số em từ 15 - 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 99,07%; 100% xã/phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ 3.
Ngoài ra, ngành Giáo dục đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện công tác xóa mù chữ, phổ biên giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia trên biển cho 14 xã vùng ven biển Thái Thụy và Tiền Hải. Tổ chức các cuộc khảo sát, đánh giá thực trạng mù chữ, học sinh bỏ học, nhu cầu học tập của người dân để xây dựng kế hoạch phối hợp.
Khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ
Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, đơn vị này đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học 2021-2022. Trong đó, song song với đảm bảo chất lượng giáo dục thì công tác phòng chống dịch luôn là ưu tiên hàng đầu của các cơ sở giáo dục. Các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp, linh hoạt theo tình hình thực tế của địa phương.
Đặc biệt, căn cứ vào Công văn số 3969 của Bộ GD&ĐT về thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cốt lõi, tận dụng "thời gian vàng" để dạy học trực tiếp cho học sinh. Trong đó, thực hiện nghiêm túc việc thực hiện thay sách giáo khoa (SGK) với lớp 1, lớp 2 từ việc dự kiến giáo viên đến quy trình chọn SGK, bố trí cơ sở vật chất, phòng học, tổ chức dạy 2 buổi/ngày với các em khối 1, 2 với thời lượng từ 9-10 buổi/tuần. Các trường tiếp tục thực hiện chương trình mới và thay SGK lớp 3 cho năm học tiếp theo.
Do dịch bệnh Covid-19 nên đã ảnh hưởng tới các hoạt động giáo dục. Kế hoạch giáo dục và phương án dạy học phải điều chỉnh nhiều lần, cùng thời điểm phải tổ chức linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học (trực tiếp, trực tuyến, kết hợp trực tiếp và trực tuyến, chia ca học, khối học). Thiếu sự giao lưu trực tiếp nên ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của trẻ em, nhất là sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhiều trường không có nhân viên y tế chuyên trách nên gặp khó khăn trong việc theo dõi, xử trí và chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Một số phụ huynh còn e ngại việc cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vắc xin phòng Covid-19.
"Ngành Giáo dục Thái Bình đã có một số giải pháp cơ bản. Trong đó có tăng cường tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Chủ động các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; bảo đảm an toàn khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh; tăng cường nguồn lực đầu tư để tổ chức hiệu quả hoạt động dạy học; thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và các cơ sở giáo dục ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19..." - ông Nguyễn Viết Hiển nói.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Trịnh Hoài Thu bày tỏ sự đồng tình với báo cáo tóm tắt và những nỗ lực triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 của ngành giáo dục tỉnh Thái Bình. Trong đó, phổ cập giáo dục bậc tiểu học đạt cấp độ 3 liên tục trong nhiều năm qua.
Bà Hoài Thu kiến nghị địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác tuyển sinh đầu cấp, nhất là với các trường có quá đông học sinh. Các cơ sở giáo dục cần giảm số lượng học sinh trái tuyến để giảm bớt sĩ số học sinh mỗi lớp quá đông. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc duy trì tiêu chí trường chuẩn quốc gia theo Luật Giáo dục 2019. Địa phương cần duy trì số lượng học sinh/lớp đảm bảo điều kiện để các em được học tập đủ mét vuông/học sinh.
Đồng thời, địa phương cần quan tâm tới nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là khối tiểu học để sắp xếp vị trí việc làm cho phù hợp. Thái Bình cũng là địa phương đi đầu trong việc ứng phó linh hoạt với tình hình dịch bệnh Covid-19. Cần tiếp tục rà soát tất cả trang thiết bị dạy học tối thiểu trong các nhà trường để bổ sung đầy đủ theo quy định, đáp ứng Chương trình GDPT 2018.
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả bước đầu tích cực của tỉnh Thái Bình về công tác phổ cập giáo dục và hoạt động giáo dục trong bối cảnh dịch trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, Thái Bình cần làm tốt hơn nữa công tác phân luồng học sinh, chú trọng chất lượng các trường nghề, cơ sở đào tạo nghề. Địa phương cần tạo động lực cho giáo viên, bởi nhân tố cốt lõi thực hiện thành công chương trình mới chính là đội ngũ giáo viên. Tiếp đến là tạo cơ chế chính sách cho giáo dục, tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất về dạy và học với giáo viên, học sinh. Trong đó, có thể huy động các nguồn lực xã hội hóa theo quy định, đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới yêu cầu về đổi mới công tác quản trị trường học tại địa phương...
Đình Tuệ