Thái Bình: Gần 270 tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm xã hội
Đến hết tháng 7/2022, tỉnh Thái Bình có khoảng 2.300 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, trong đó có 1.900 đơn vị, doanh nghiệp thuộc dạng nợ xấu (từ 3 tháng trở lên).
Tổng số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội 7 tháng đầu năm nay là gần 270 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có nợ lớn là Công ty cổ phần đầu tư thương mại Dầu khí Thái Bình nợ gần 5 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhựa COTEC nợ hơn 7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân nợ 15 tỷ đồng.
Nhiều đơn vị nợ dây dưa, kéo dài như: Công ty Thương mại Dịch vụ MPA 5 tỷ đồng từ tháng 6/2017; Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu DATEX nợ 4,3 tỷ đồng từ tháng 10/2017; Công ty Đại Cường nợ 3,3 tỷ đồng từ tháng 7/2014.
Ông Bùi Thái Mạnh, Trưởng phòng Thu (Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình) cho biết, thu nợ bảo hiểm xã hội là công việc hết sức khó khăn bởi hầu hết đây đều là những đơn vị, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, kinh doanh trồi sụt, khả năng chi trả thấp.
Trong thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực đẩy mạnh nhiều phương pháp, hình thức đốc thu một cách quyết liệt. Theo đó, hằng tháng cán bộ chuyên quản các doanh nghiệp của Bảo hiểm xã hội tỉnh khi có phát sinh tăng lao động, giảm lao động và điều chỉnh tăng lương đóng bảo hiểm xã hội, sẽ phối hợp cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp tính toán tăng giảm kịp thời để chốt được số người phải đóng bảo hiểm tại doanh nghiệp.
Kết thúc tháng, nếu đơn vị không đóng bảo hiểm xã hội, cán bộ chuyên quản sẽ đôn đốc, gửi thông báo. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ ban hành công văn đôn đốc riêng, đồng thời văn bản này cũng được gửi cho các ngành có liên quan như: Sở lao động, Thương Binh và Xã hội; Ban quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp… để biết và phối hợp.
Nếu doanh nghiệp chây ỳ không đóng, sẽ đặt lịch làm việc trực tiếp tại đơn vị để xác định số nợ. Đối với những doanh nghiệp nợ nhiều, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình yêu cầu đơn vị có cam kết xây dựng lộ trình trả nợ và cán bộ chuyên quản hằng tháng giám sát, đôn đốc việc thực hiện cam kết.
Ngoài cán bộ Phòng thu là lực lượng chủ lực đôn đốc thu hồi nợ đọng, thì Thanh tra ngành Bảo hiểm xã hội cũng vào cuộc thực thi chức trách được giao, đó là thanh tra đóng bảo hiểm xã hội và xử phạt tại đơn vị, doanh nghiệp theo kế hoạch và đột xuất. Nếu vượt quá thẩm quyền, sẽ tổ chức thanh tra liên ngành.
Ông Mạnh thông tin thêm, tháng 9/2020, Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đây là hành lang pháp lý quan trọng để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp người dân hiểu đúng và tự giác thực hiện.
Qua đây, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ biết và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình trốn đóng, chậm đóng hoặc có hành vi gian lận, trục lợi.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thai-binh-gan-270-ty-dong-no-dong-bao-hiem-xa-hoi-post712118.html