Thái Bình giải thích về thông tin 'xóa sổ' hơn 11 nghìn ha rừng ven biển huyện Tiền Hải
Giải thích về vấn đề này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết: Phạm vi, ranh giới, quy mô của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nêu trong Quyết định 2159 chỉ mang tính định tính, chưa được xác định bằng các biện pháp nghiên cứu đo đạc cụ thể.
Trước những thông tin cho rằng tỉnh Thái Bình “xóa sổ” hơn 11 nghìn ha rừng ven biển huyện Tiền Hải, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có thông cáo báo chí làm rõ sự việc.
Trong hơn 1 tháng qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin, bài phản ánh, bày tỏ sự băn khoăn và lo lắng trước hai Quyết định do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành (cách nhau gần 10 năm) có sự chênh lệch lớn về diện tích rừng tại huyện Tiền Hải.
Cụ thể, Quyết định số 2159 ngày 26/9/2014 thể hiện diện tích rừng ngập mặn có diện tích 12.500ha với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Trong khi đó, Quyết định số 731 ngày 17/4/2023 xác định diện tích rừng tại đây là 1.320ha.
Giải thích về vấn đề này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết: Phạm vi, ranh giới, quy mô của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nêu trong Quyết định 2159 chỉ mang tính định tính, chưa được xác định bằng các biện pháp nghiên cứu đo đạc cụ thể.
Diện tích tạm tính khi đó là 12.500ha được kế thừa số liệu từ 5 nguồn dữ liệu khác nhau; vị trí và ranh giới khu rừng chưa có sự đồng nhất. Thậm chí, vị trí theo tọa độ địa lý và vị trí theo mô tả bằng lời không trùng khớp, không có bản đồ kèm theo.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế Thái Bình.
Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1486/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.500ha.
Để xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, một phần diện tích đất rừng ven biển tại Tiền Hải được quy hoạch cho Khu kinh tế, trong đó có khu rừng được tỉnh phê duyệt theo Quyết định 2159.
Việc quy hoạch này căn cứ theo Quyết định số 1486/QĐ-TTg, tại Điều 2 ghi: “Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình”.
Trên cơ sở này, Quyết định số 731 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành tháng 4 vừa qua lần đầu tiên đã xác định, làm rõ vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng tại Tiền Hải (thuộc các xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh) có diện tích 1.320ha. Đây là khu vực có rừng tốt nhất, liền khoảnh nên rất thuận lợi cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng.
Ủy ban nhân dân tỉnh nêu rõ: Quyết định số 731 không thay thế Quyết định số 2159 và như vậy không có chuyện “xóa sổ” Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Quyết định 731 mang tính kế thừa và chỉ để làm rõ vị trí, diện tích khu rừng trên thực tế.
Thông cáo báo chí của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết: Trong gần 10 năm qua, địa phương thực hiện đúng tôn chỉ và các quy định của Công ước Ramsar cũng như Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng được UNESCO công nhận năm 2004, đồng thời coi trọng phát triển rừng.
Cụ thể, bảo tồn và sử dụng hiệu quả toàn bộ vùng đất ngập nước được UNESCO công nhận trên địa bàn huyện Tiền Hải và Thái Thụy cũng như khu vực cách bờ biển 6 hải lý. Xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng (khoảng 2.000/4.300ha rừng) để nuôi ong mật, nuôi vịt biển, tạo nông sản xanh, an toàn.
Bên cạnh đó, nuôi 2.800ha ngao và gần 1.000ha rươi, cáy vùng cửa sông, bãi bồi để bảo tồn đa dạng sinh học.
Năm 2023, tỉnh Thái Bình phối hợp Tổng công ty thăm dò Dầu khí tổ chức trồng rừng tại xã Thụy Hải và đã trồng được 30 nghìn cây rừng tại các vùng đất ngập nước.
Một minh chứng rõ nét trong phát triển rừng tại địa phương, nếu như năm 2015 toàn tỉnh có hơn 3.700ha rừng, thì đến nay đã tăng lên gần 4.300ha. Theo kế hoạch, đến năm 2030, tỉnh Thái Bình sẽ trồng thêm hơn 1.000ha rừng.
Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định chi tiết, cụ thể quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên thực địa.
Mặt khác, lập hồ sơ, quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải theo đúng quy định của Luật Đa dạng sinh học, làm cơ sở để trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn phát triển đa dạng sinh học và bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội và phát triển không gian kinh tế biển.
Được biết, tỉnh Thái Bình đang trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 với quan điểm xuyên suốt là: “Phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường”.
Trước đó, ngày 31/8/2023, Báo Nhân Dân có bài viết “Chung quanh việc quy hoạch đất rừng ven biển tại tỉnh Thái Bình”, trong đó đã phản ánh trung thực, khách quan bản chất vấn đề đang được dư luận quan tâm.