Thái Bình: Hàng chục nghìn gốc đào chết khô trước Tết

Ở thời điểm Tết Quý Mão không còn xa, gần 200 hộ trồng đào ở làng hoa Sa Cát (phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đối mặt với thảm cảnh: đào chết hàng loạt.

Theo tìm hiểu của Đại Đoàn Kết Online, Sa Cát là làng hoa ven đô nổi tiếng ở Thái Bình, chuyên trồng hoa, đào, quất phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh từ nhiều năm nay.

Dù diện tích bị thu hẹp dần do quá trình đô thị hóa nhưng đến vụ này vẫn còn tới gần 200 hộ dân địa phương trồng đào trên diện tích rộng tới 16 ha, với khoảng hơn 40.000 gốc đào, trong đó có khoảng 12.000 gốc đào thế.

Tuy nhiên, ngày 6/11, có mặt ở làng hoa nổi tiếng này, PV Đại Đoàn Kết Online ghi nhận những gốc đào, đủ loại, từ đào bình dân đến đào thế cùng bị chết la liệt, không khí rất ảm đạm.

Người trồng đào ở Sa Cát đang đối diện với thảm cảnh đảo chết hàng loạt.

Người trồng đào ở Sa Cát đang đối diện với thảm cảnh đảo chết hàng loạt.

Theo ông Vũ Duy Phiên, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp phường Hoàng Diệu, sau đợt mưa kéo dài nhiều ngày trong các tháng 9 và 10 vừa qua đào bắt đầu chết, những ngày qua thì chết hàng loạt.

Tính đến ngày 6/11, số gốc đào bị chết đã lên tới khoảng 12.000 gốc trong tổng số hơn 40.000 gốc, trong đó có khoảng 4.000 gốc đào thế bị chết.

Làng hoa có gần 200 hộ trồng đào thì có tới 148 hộ có đào bị chết. Bản thân hộ gia đình Giám đốc HTX cũng bị chết cả trăm gốc, thiệt hại cả trăm triệu đồng.

Đáng nói là số gốc đào còn lại cũng đang cho những “tín hiệu xấu”: lá to bị héo, lá non nhăn nheo. Nông dân địa phương đang cố vận dụng kinh nghiệm để “chữa trị” nhưng không khả quan. “Nếu sống đào cũng không thể nở đúng dịp Tết và không đẹp”, ông Phiên thể hiện sự bi quan.

Với số gốc đào đã chết, nhiều hộ chán bỏ mặc cho cây chết khô trên đồng. Một số hộ tranh thủ nhổ để lấy đất “bày keo khác”, như trồng hoa, trồng rau màu…

Một trong những hộ thiệt hại nhất là gia đình anh Vũ Ngọc Tĩnh ở Tổ. Năm nay anh đầu tư khoảng 200 gốc đào, chủ yếu đào thế nhưng đến giờ bị chết gần hết.

Theo tính toán của anh Tĩnh, mỗi cây đào thế chi phí đầu tư, chăm sóc mất khoảng 3 triệu đồng. Những năm trước, trong điều kiện thuận lợi, với số gốc đào trên, vừa bán vừa cho thuê anh thu khoảng 600 triệu đồng. Nhưng năm nay thì Tết chưa đến những đã “cầm chắc” trắng tay.

Ngoài thiệt hại kinh tế, rắc rối anh Tĩnh cũng như nhiều hộ trồng đào ở Sa Cát là chưa biết “ăn nói” thế nào với khách gửi thuê chăm sóc đào nhưng giờ đã bị chết.

Theo nông dân trồng đào ở Sa Cát, hiệu quả trồng cây đào phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trong vòng hơn 30 năm qua, đây là năm mưa úng đã khiến họ bị thiệt hại nặng nề nhất.

Một số hình ảnh đào bị chết hàng loạt ở làng hoa Sa Cát:

Vụ này nông dân Sa Cát trồng hơn 40.000 gốc đào.

Vụ này nông dân Sa Cát trồng hơn 40.000 gốc đào.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại khoảng 12.000 gốc đã bị chết. Nguyên nhân theo người trồng đào ở địa phương do bị ảnh hưởng của những trận mưa kéo dài trong tháng 9, tháng 10.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại khoảng 12.000 gốc đã bị chết. Nguyên nhân theo người trồng đào ở địa phương do bị ảnh hưởng của những trận mưa kéo dài trong tháng 9, tháng 10.

Số còn lại cũng không khả quan, lá bị héo, bị quăn...

Số còn lại cũng không khả quan, lá bị héo, bị quăn...

Đào thế, gốc lớn dịp Tết có giá rất cao nhưng đến thời điểm hiện tại ở làng hoa Sa Cát có khoảng 4.000 gốc đào thế đã bị chết.

Đào thế, gốc lớn dịp Tết có giá rất cao nhưng đến thời điểm hiện tại ở làng hoa Sa Cát có khoảng 4.000 gốc đào thế đã bị chết.

Những gốc đào dịp Tết có giá tiền triệu giờ nông dân phải nhổ bỏ.

Những gốc đào dịp Tết có giá tiền triệu giờ nông dân phải nhổ bỏ.

Theo nông dân Sa Cát, đây là vụ đào họ bị thiệt hại nặng nề nhất.

Theo nông dân Sa Cát, đây là vụ đào họ bị thiệt hại nặng nề nhất.

Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/anh-thai-binh-hang-chuc-nghin-goc-dao-chet-kho-truoc-tet-5701347.html