Thái Bình: Phấn đấu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh năm 2024 đạt 80% trở lên
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030', tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc.
Theo đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổ công tác triển khai Đề án 06 các cấp, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Thái Bình bước đầu đạt được những kết quả tích cực, các mục tiêu nhiệm vụ mang tính chất nền tảng của Đề án 06 đều cơ bản hoàn thành, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Thể chế thực hiện đề án được hoàn thiện, phục vụ hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng công dân số, hướng tới Chính phủ số. 10/16 mục tiêu Chuyển đổi số của tỉnh đã hoàn thành.
Trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 hoặc toàn trình, 100% các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh, 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Trên 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số và áp dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh. 100% đơn vị hành chính cấp xã, trên 54% hộ gia đình được phủ hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang, 70% tỷ lệ người dân toàn tỉnh từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác…
Với 53 dịch vụ công thiết yếu trong thực hiện Đề án 06, toàn tỉnh đã tiếp nhận và xử lý hơn 490.000 hồ sơ trực tuyến, tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp gần 15 tỷ đồng. 100% công dân trong độ tuổi được cấp Căn cước công dân gắn chip, với hơn 1,5 triệu thẻ, 958.367 tài khoản định danh điện tử được cấp, kích hoạt đưa và sử dụng đạt tỷ lệ 120,7% chỉ tiêu Bộ Công an giao.
Người dân sử dụng hiệu quả thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh thay thẻ bảo hiểm y tế, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. 73/80 nhiệm vụ, 19/29 mô hình trong lộ trình thực hiện Đề án 06 trên địa bàn được thực hiện hiệu quả.
Đặc biệt, Thái Bình là địa phương đầu tiên trong cả nước chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước thực hiện 3 có “có căn cước công dân gắn chip – có tài khoản định danh điện tử - có tài khoản dịch vụ công quốc gia”...
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển.
Cùng với cả nước, những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 của tỉnh Thái Bình đã góp phần quan trọng đáp ứng những mục tiêu của Chính phủ về xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống tội phạm và phục vụ Nhân dân.
Xác định rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của Đề án 06 đối với việc chuyển đổi số, tỉnh Thái Bình quyết tâm tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp thấy rõ ý nghĩa, hiệu quả, tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06.
Trong đó, đối với công tác chuyển đổi số, tiếp tục chủ động cập nhật, thường xuyên tham mưu để thể chế hóa, thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương; xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối các nền tảng, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực chất, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công quốc gia và số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Tập trung hoàn thành triển khai các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; thường xuyên đánh giá kết quả thông qua mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm kế hoạch thực hiện Đề án 06 năm 2024 của UBND tỉnh, trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh chi trả các dịch vụ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, làm sạch dữ liệu, chia sẻ kết nối với kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Phấn đấu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh năm 2024 đạt 80% trở lên.
Công an tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan thường trực trong thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06, chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt Luật Căn cước và các nhiệm vụ thực hiện đề án.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ, khẩn trương tham mưu, hoàn thành Trung tâm điều hành thông minh và kho dữ liệu dùng chung của tỉnh bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính căn cứ vào nguồn lực của tỉnh, quan tâm, tạo điều kiện, bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số.