Thái Bình thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng do bão số 3 gây ra

Tỉnh Thái Bình ước tính thiệt hại do bão số 3 gây ra là khoảng 2.000 tỷ đồng khi hàng chục ngàn ha lúa, hoa màu bị ngập úng, cây cối đổ la liệt; nhiều nhà dân, kho xưởng, trường học,... bị tốc mái cần sửa chữa.

Theo báo cáo của tỉnh Thái Bình, ảnh hưởng từ cơn bão số 3 hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người và tàu thuyền nhưng có nhiều nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc la liệt.

Cơn bão số 3 cũng đã gây ra sự cố nghiêm trọng về hạ tầng lưới điện, khiến khoảng 570.000 khách hàng bị mất điện.

 Cột điện lưới ở Thái Bình bị gãy đổ trong bão số 3. Ảnh: Trần Kim

Cột điện lưới ở Thái Bình bị gãy đổ trong bão số 3. Ảnh: Trần Kim

Cơn bão số 3 đổ bộ vào đã gây mưa lớn, gió giật mạnh và khiến 28.000 ha lúa bị thiệt hại từ 30 đến 70%, 27.000 ha bị thiệt hại trên 70%; 18.000 ha diện tích lúa đổ bị úng ngập. Rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè chưa thu hoạch được có 585ha bị ảnh hưởng từ 30-70%, 2.760 ha bị ảnh hưởng trên 70%; 1.215 ha chuối bị ảnh hưởng 30-70%, 170 ha bị ảnh hưởng trên 70%.

Cơn bão số 3 đã làm cho một số tuyến kè bờ biển, bờ sông và một số tuyến kênh nội đồng bị sạt lở. Qua thống kê sơ bộ có 30 cột điện, 11 cột viễn thông bị gãy, đổ; 17 trạm biến áp bị sự cố. Một số cơ quan, nhà dân, nhà xưởng, trường học bị tốc mái, hàng loạt cây xanh bị ngã đổ.

Về giao thông đường bộ, biển báo hiệu bị gió thổi bay 80 cái gãy đổ, lề đường sạt lở 600m ; cọc tiêu gãy đổ 100 cái; hộ lan can 350m; điện chiếu sang cầu và đường hư hỏng 20 bóng.

Tỉnh Thái Bình cho biết tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Sau khi cơn bão đi qua, địa phương đã huy động hàng nghìn người tập trung khắc phục, dọn dẹp cây đổ, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường chính để giao thông đi lại an toàn. Tập trung khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra, đặc biệt với sản xuất nông nghiệp, từ 2h ngày 8/9 công tác vận hành trạm bơm trên địa bàn đã được khẩn trương thực hiện.

Hiện tỉnh Thái Bình đang huy động tối đa phương tiện, lực lượng khơi thông dòng chảy nhằm tiêu nước, sử dụng bơm cưỡng bức kết hợp tháo nước nhanh để cứu cây trồng bị ngập úng; ưu tiên bơm tiêu nhanh cho các diện tích bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước.

Tỉnh Thái Bình đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ thiệt hại sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh: với tổng kinh phí 123 tỷ đồng.

Hỗ trợ phục hồi sản xuất: giống cây trồng các loại bao gồm 100 tấn ngô, 250 tấn đậu tương, 500 tấn lạc, 5.000 tấn khoai tây và 20 tấn rau màu các loại.

Hỗ trợ khắc phục sự cố đê điều, thủy lợi: với tổng kinh phí 850 tỷ đồng. Khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển: Xây dựng tuyến kè bảo vệ chống sạt lở với tổng kinh phí 250 tỷ đồng. Khắc phục sạt lở các tuyến kè với tổng kinh phí 250 tỷ đồng;...

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thai-binh-thiet-hai-uoc-tinh-khoang-2000-ty-dong-do-bao-so-3-gay-ra-post311265.html