Thái Bình thu ngân sách nội địa năm 2024 còn khiêm tốn, chưa ổn định

Ngày 3/1, Cục Thống kê tỉnh Thái Bình tổ chức Họp báo công bố số liệu tình hình kinh tế-xã hội năm 2024 của tỉnh Thái Bình. Có thể thấy, một số lĩnh vực như thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp… có tín hiệu khả quan, tuy nhiên thu ngân sách nội địa chưa đạt được kỳ vọng, cần sự nỗ lực rất lớn trong năm 2025.

Quang cảnh buổi Họp báo.

Quang cảnh buổi Họp báo.

Năm 2024 thu ngân sách nội địa của tỉnh Thái Bình ước đạt 11.058,4 tỷ đồng, trong khi năm 2023 địa phương hụt thu ngân sách so với kế hoạch đề ra (thu được gần 10 nghìn tỷ đồng). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ có năm 2022 Thái Bình có số thu ngân sách cao nhất, đạt hơn 11.530 tỷ đồng.

Phân tích về thu ngân sách nội địa có dấu hiệu chững lại, ông Tăng Bá Phúc, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Bình phân tích: Dù thu được hơn 11 nghìn tỷ đồng, nhưng chủ yếu từ tiền sử dụng đất. Nếu trừ đi khoản này thì số thu ngân sách chỉ khoảng 6.000- 7.000 tỷ đồng.

Ông Tăng Bá Phúc công bố số liệu kinh tế-xã hội tỉnh Thái Bình năm 2024.

Ông Tăng Bá Phúc công bố số liệu kinh tế-xã hội tỉnh Thái Bình năm 2024.

Ông Phúc cho hay, đầu năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may khó khăn, đến cuối năm mới hồi phục ở tốc độ khiêm tốn (hơn 3%). Đặc thù của lĩnh vực dệt may là giá trị nhập khẩu đã chiếm 80% trên giá trị xuất khẩu của ngành may. Do đó, khi cân đối xuất nhập thì giá trị mang lại không được nhiều.

Trên địa bàn có những dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng qua theo dõi trong năm 2024 việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu có tỷ lệ thấp (chỉ từ 7-8%). Trong bối cảnh cần phải tăng tốc phát triển, việc nhập khẩu thấp như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến phát triển sản xuất của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.

Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi Họp báo.

Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi Họp báo.

Thu ngân sách nội địa năm 2024 tại Thái Bình chủ yếu là thu thuế giá trị gia tăng, còn thu thuế xuất nhập khẩu năm qua bị giảm do nhiều mặt hàng xuất thuế rất nhỏ, thậm chí có những mặt hàng thuế xuất bằng không. Thu thuế tài nguyên môi trường có liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu xăng dầu thời gian qua tính ổn định không cao, kém thu.

Nhận định về hoạt động kinh tế-xã hội trong năm nay, ông Tăng Bá Phúc chia sẻ: Có những thách thức đặt ra, đó là ngành điện, ngành sắt thép đã gần hết công suất. Công nghiệp địa phương vẫn trông chờ vào ngành may và một số sản phẩm mới. Lĩnh vực dịch vụ tại tỉnh Thái Bình cũng chưa có đột biến lớn, chủ yếu vẫn là phục vụ nội địa là chính.

Đại biểu các sở, ngành của tỉnh trả lời các nội dung báo chí nêu ra tại Họp báo.

Đại biểu các sở, ngành của tỉnh trả lời các nội dung báo chí nêu ra tại Họp báo.

Tuy nhiên, trong năm 2025 thu ngân sách nội địa của tỉnh Thái Bình cũng có những hy vọng, nhất là tại 2 nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Thái Bình 2. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp hết thời hạn miễn thuế cũng sẽ tăng mức đóng cho ngân sách trên địa bàn, tạo nguồn thu cho các năm tiếp theo.

Ngoài ra, các dự án bất động sản lớn trên địa bàn có doanh thu sẽ đóng thuế cao cho địa phương. Theo ông Phúc, nếu thu ngân sách bền vững thì vẫn phải tận dụng triệt để từ sản xuất công nghiệp; tiếp đó là từ lĩnh vực thương mại, vận tải theo tăng trưởng hằng năm sẽ tạo nên sự ổn định cho nguồn thu ngân sách địa phương.

Tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2024 đạt 7,01% so với năm 2023. Là địa phương xếp thứ 44 cả nước và thứ 9 ở khu vực đồng bằng sông Hồng về tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn. Điều này cho thấy bước sang năm nay và các năm tiếp theo, tỉnh Thái Bình cần phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao, linh hoạt trong điều hành, tháo gỡ những điểm nghẽn thì mới tạo sức bật mới ổn định hơn, bền vững hơn để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đề ra.

MAI TÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thai-binh-thu-ngan-sach-noi-dia-nam-2024-con-khiem-ton-chua-on-dinh-post854085.html