Thái Bình tìm giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình học tập
Ngày 10/8, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình phối hợp Trường Đại học Thái Bình, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Thái Bình tổ chức tọa đàm 'Nâng cao chất lượng các mô hình học tập tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023-2030'.
Nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng xã hội học tập là xây dựng các mô hình học tập. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thái Bình có có 565.625 công dân đăng ký danh hiệu Công dân học tập, chiếm 43,7%. 474.467 gia đình đăng ký danh hiệu Gia đình học tập, chiếm 91,5% số hộ. 5.936 dòng họ đăng ký danh hiệu Dòng học học tập, chiếm 79,6%.
Thái Bình có 1.743 cộng đồng đăng ký danh hiệu Cộng đồng học tập, chiếm 96%. 1.180 đơn vị đăng ký danh hiệu Đơn vị học tập, chiếm 81,2%. 100% xã, phường, thị trấn đăng ký danh hiệu Cộng đồng học tập.
Thời gian qua, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm triển khai hiệu quả các mô hình học tập như tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng Dòng họ học tập; tập huấn cho cán bộ, hội viên sử dụng phần mềm đánh giá, công nhận danh hiệu Công dân học tập; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cán bộ, người dân về khuyến học - khuyến tài nói chung và các mô hình học tập nói riêng...
Các mô hình học tập đã góp phần tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, trình độ, từng bước đáp ứng nhu cầu ở mỗi địa phương, đơn vị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, việc nhân rộng, phát triển mô hình đang gặp một số khó khăn, bất cập.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được phổ biến nhiều tài liệu liên quan tới công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đồng thời thảo luận việc xây dựng, nâng cao chất lượng các mô hình học tập trong thời kỳ 4.0, nâng cao chất lượng các trung tâm học tập cộng đồng, nhân rộng các mô hình học tập tiêu biểu nhằm nâng cao chất lượng công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Các đại biểu đã xác định việc triển khai xây dựng các mô hình học tập để tiến tới xây dựng thành công xã hội học tập là quá trình huy động mọi nguồn lực, tiềm năng của xã hội để bảo đảm cơ hội học tập thường xuyên cho tất cả mọi người.
Từ đó, cần tạo điều kiện và có cơ chế khuyến khích để mọi người nỗ lực học tập mọi nơi, mọi lúc, bảo đảm sự phát triển bền vững.