Thái Bình và những nghị quyết 'mở đường' phát triển-Bài 4: Dấu ấn từ 'khâu then chốt'

Từ chủ trương lớn đã đề ra, Tỉnh ủy Thái Bình xác định, để hiện thực hóa khát vọng phát triển, mạnh giàu thì không có cách nào khác là phải phát huy nội lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp giàu tâm huyết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Đây là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”, là nhân tố quyết định bảo đảm thực hiện thành công các chủ trương, nghị quyết đề ra.

Đột phá trong tư duy, quyết liệt trong hành động

Thành phố Thái Bình, một buổi sáng trong lành đầu mùa thu, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệt thành tiếp và trò chuyện với chúng tôi. Trong thời gian không dài nhưng qua câu chuyện với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã cho chúng tôi nhiều thông tin, đặc biệt là cảm nhận rõ ràng hơn niềm tin, khát vọng đổi mới của lãnh đạo và nhân dân Thái Bình để đưa tỉnh cất cánh trong tương lai.

Trước khi ra Ban Kinh tế Trung ương nhận nhiệm vụ vào tháng 3-2016, đồng chí Ngô Đông Hải đã có thời gian công tác tại tỉnh Bình Định, trên cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định. Cuộc luân chuyển về tỉnh Thái Bình vào năm 2018 như một cơ duyên, là cơ hội để đồng chí khẳng định và cống hiến từ những kinh nghiệm tích lũy, bài học thực tiễn qua các cương vị công tác.

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, Thái Bình khởi động tham vọng chuyển mình, thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế, yếu tố con người để đưa tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đồng chí Ngô Đông Hải tâm sự, lúc đó, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về tính khả thi của khát vọng này, thậm chí nhiều người cho là “không tưởng”, là “hô khẩu hiệu”. Thế nhưng, vượt lên tất cả sự nghi ngại, tập thể Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã thống nhất rất cao và xem đây là động lực để vượt qua các áp lực, khó khăn. Ngay sau đại hội, Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khẩn trương xây dựng chương trình kế hoạch toàn khóa, chương trình hành động; cụ thể hóa thành các chương trình mục tiêu, nghị quyết cụ thể, với lộ trình mục tiêu, cách làm phù hợp với thực tiễn.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Thái Bình tham quan Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Ảnh: NAM GIAO

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Thái Bình tham quan Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Ảnh: NAM GIAO

Một trong những quyết sách đã tạo ra chuyển động mạnh mẽ là năm 2021, Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng chí Ngô Đông Hải nhấn mạnh: “Mấu chốt là địa phương dám thẳng thắn nhìn vào tồn tại, hạn chế, nhất là những vướng mắc; đồng thời kiên quyết triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách công vụ. Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp”. Với tinh thần ấy, trong từng giai đoạn, tỉnh Thái Bình đề ra các kế hoạch chi tiết để hướng tới mục tiêu tổng quát.

Những kết quả, chuyển biến lớn lao từ quyết sách ấy được minh chứng từ những điều "tay sờ, mắt thấy" tại Khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy). Với quy mô 588,84ha đất công nghiệp, KCN Liên Hà Thái được tỉnh Thái Bình lựa chọn là khu công nghiệp tiên phong, trọng điểm, là mô hình kiểu mẫu tạo đột phá trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Sau 2 năm đi vào hoạt động, KCN Liên Hà Thái trong Khu kinh tế Thái Bình đã thu hút đầu tư với hàng chục dự án lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Điều ấn tượng là trao đổi, chuyện trò với đội ngũ lãnh đạo, cán bộ tới nhân viên của KCN, chúng tôi đều cảm nhận được lòng biết ơn, sự trân trọng với những đóng góp của lãnh đạo tỉnh qua những câu chuyện cụ thể. Bà Đặng Thị Hiệp, Giám đốc kinh doanh, Công ty Cổ phần GREEN i-PARK chia sẻ: “Có được cơ ngơi như bây giờ là bao nhiêu khó khăn, thử thách. Trong thành công của KCN phải nói đến sự quan tâm, quyết liệt của lãnh đạo các cấp. Bản thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo tỉnh liên tục động viên, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính để triển khai được các dự án trong thế thần tốc”.

Các cán bộ KCN còn kể lại cho chúng tôi nghe rằng, có những cuộc họp với đối tác nước ngoài, trong thời điểm dịch Covid-19, phía bạn yêu cầu thủ tục gấp gáp. Với tinh thần chỉ bàn tiến mà không bàn lùi, đặt lợi ích của tỉnh nhà lên trên hết, lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt họp bàn triển khai giải quyết nhanh gọn, phù hợp các thủ tục ngay trong ngày, không ít cuộc họp diễn ra tới đêm muộn. Với tâm huyết, uy tín, trách nhiệm lớn lao của mình, các đồng chí lãnh đạo đã được dân nghe, dân tin và làm theo. Bởi vậy, khi nói đến những thành tựu mà tỉnh Thái Bình đạt được thì trước hết phải nói đến tinh thần trách nhiệm, công sức, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ đứng đầu.

 Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra công tác phòng trừ sâu bệnh trên lúa tại xã Đông Hải (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ảnh: NAM GIAO

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra công tác phòng trừ sâu bệnh trên lúa tại xã Đông Hải (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ảnh: NAM GIAO

Khâu "then chốt của then chốt"

Về huyện Quỳnh Phụ, như một cơ duyên, chúng tôi gặp lại đồng chí Đinh Trọng Xá, Bí thư Huyện ủy. Nhắc đến anh trước đây trên cương vị Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình, nhiều người ấn tượng bởi tác phong làm việc dứt khoát, quyết liệt, mạnh mẽ, luôn phản biện tới cùng trong các hội nghị. Còn tôi ấn tượng với anh đó là những ngày anh mới về nhận công tác tại huyện Quỳnh Phụ với dấu ấn mở những con đường liên xã với giá “0 đồng”.

Đồng chí Đinh Trọng Xá tâm sự, thực tế lúc ấy, không chỉ ở Quỳnh Phụ, công tác giải phóng mặt bằng được coi là phần việc khó, “điểm nghẽn” trong triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Đồng chí Xá nhẩm một phép tính: Nếu làm theo quy trình thường phải mất từ 6 tháng đến 1 năm, trong khi chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 20-40% tổng mức đầu tư, càng làm cho công tác đầu tư nâng cấp các công trình giao thông thêm khó khăn. Đồng chí Xá quả quyết: “Giải quyết bài toán khó lúc ấy ở huyện Quỳnh Phụ, không còn cách nào khác đó là phải huy động nguồn lực trong dân”.

Với tinh thần ấy, ngày 13-7-2021, Huyện ủy Quỳnh Phụ ban hành Thông báo số 220-TB/HU kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước, không đòi lại, để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã. Địa phương nào có 100% hộ dân trên tuyến đồng thuận, tự nguyện hiến đất, chính quyền sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng trước...

Chủ trương là vậy song khi thực hiện thì gặp rất nhiều khó khăn vì đây là chủ trương chưa có tiền lệ. Sau nhiều đêm trăn trở, đồng chí Đinh Trọng Xá cùng Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Phụ lựa chọn tuyến đường từ đường ĐH.78 đến đường ĐT.452 để thực hiện; lấy xã Quỳnh Ngọc làm điểm với chiều dài gần 4km. Mới đầu, nhiều người còn nghi ngờ về tính khả thi của cách làm này. Bởi thông thường, khi chọn địa phương làm điểm thì sẽ chọn nơi nào dễ thực hiện nhất để làm trước, nhằm tạo hiệu ứng, nhưng Quỳnh Phụ lại có cách làm khác lạ? Lý giải điều này, đồng chí Xá chia sẻ: “Quỳnh Ngọc là địa bàn xa trung tâm, có nhiều giáo dân, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách hạn hẹp. Việc chọn một xã có điều kiện kinh tế khó khăn nhất để làm điểm cho một chủ trương lớn thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị huyện. Việc khó mà thành công thực chất thì ắt sẽ tạo được hiệu ứng lớn”.

Một buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ tổ dân phố Minh Hưng, thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư. Ảnh: THU QUYÊN

Một buổi sinh hoạt chuyên đề của Chi bộ tổ dân phố Minh Hưng, thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư. Ảnh: THU QUYÊN

Từ chủ trương, quyết tâm cao ấy, Quỳnh Phụ đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời; đồng thời minh bạch, công khai chính sách các dự án. Đó là cách làm hiệu quả, thiết thực, biến việc khó thành dễ trong giải phóng mặt bằng ở huyện Quỳnh Phụ. Kết quả mang lại hơn cả mong đợi.

Đồng chí Ngô Đông Hải rất vui mừng khi nói về huyện Quỳnh Phụ: “Trong thành công của huyện phải nói đến những cách làm mới, quyết liệt của đội ngũ cán bộ các cấp năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì dân. Tinh thần ấy của huyện Quỳnh Phụ đang lan tỏa sang các địa phương khác trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương Thái Bình”.

Có thể khẳng định, trong hành trình thực hiện khát vọng của tỉnh Thái Bình, công tác cán bộ chính là khâu "then chốt của then chốt", là nhân tố quyết định để địa phương bứt phá, đi lên. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: Để tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 87-KH/TU triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Kế hoạch số 75-KH/TU ngày 18-1-2022 của Tỉnh ủy về việc luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp giai đoạn 2022-2025. Đến hết năm 2023, có 12 đồng chí cán bộ cấp tỉnh được luân chuyển về các huyện, thành phố. Thái Bình hiện có 8/8 huyện, thành phố có 100% bí thư, chủ tịch UBND không là người địa phương. Từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục điều động, luân chuyển nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ khối Đảng, đoàn thể sang khối Nhà nước; từ tỉnh về huyện và ngược lại. Về cơ bản, các đồng chí được luân chuyển, điều động giữ cương vị mới đều nỗ lực, phát huy được vai trò, trách nhiệm, lãnh đạo địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các địa phương khi có cán bộ luân chuyển đến đã có sự phát triển rõ rệt, tập thể cấp ủy đoàn kết, thống nhất, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều hoàn thành và vượt.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, luôn tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, từ đó phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Nhóm PV Báo Quân đội nhân dân

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/thai-binh-va-nhung-nghi-quyet-mo-duong-phat-trien-bai-4-dau-an-tu-khau-then-chot-798634