Thái độ mập mờ, hành động úp mở, Iran muốn 'qua mặt' IAEA?
Mặc dù bị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chỉ ra những dấu hiệu vi phạm trong hoạt động hạt nhân song Iran vẫn cương quyết lập trường của mình và khẳng định sẽ phản ứng mạnh mẽ và tương xứng.
Các dấu vết urani bất thường
Ngày 8/6, các nhà ngoại giao tham gia một cuộc họp kín cho biết Hội đồng thống đốc IAEA với 35 thành viên đã thông qua một nghị quyết với đa số áp đảo nhằm chỉ trích Iran vì đã không giải thích được các dấu vết urani được tìm thấy tại ba địa điểm không được công bố.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, IAEA ra nghị quyết chỉ trích Iran.
Theo tiết lộ của các nhà ngoại giao, chỉ có hai quốc gia là Nga và Trung Quốc phản đối nghị quyết này, 30 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ và 3 quốc gia bỏ phiếu trắng. Trong nghị quyết trên, hội đồng quản trị "bày tỏ quan ngại sâu sắc" về các dấu vết vẫn chưa giải thích được do sự thiếu hợp tác của Iran và kêu gọi Tehran phối hợp với cơ quan giám sát của Liên hợp quốc (LHQ).
Ngay trong ngày 8/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh phát biểu trên Twitter rằng Iran sẽ phản ứng "mạnh mẽ và tương xứng" đối với nghị quyết của IAEA và "những người khởi xướng sẽ phải nhận hậu quả".
Nghị quyết nói trên do Mỹ, Anh, Pháp và Đức đề xuất. Bộ Ngoại giao của 4 nước phương Tây này đã ra một tuyên bố chung hoan nghênh nghị quyết của IAEA vì đã phản ứng lại việc Iran không hợp tác đầy đủ với IAEA về nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động hạt nhân của nước này.
Tuyên bố chung nêu rõ: “Chúng tôi hối thúc Iran lưu ý tới lời kêu gọi của cộng động quốc tế nhằm thực thi các nghĩa vụ pháp lý của họ và hợp tác với IAEA để làm sáng tỏ và giải quyết triệt để nhiều vấn đề một cách không chậm trễ".
Chỉ vài giờ trước khi IAEA thông qua nghị quyết chỉ trích Iran vì thiếu hợp tác, Iran đã ngắt kết nối một số camera giám sát của cơ quan này tại các cơ sở hạt nhân của Iran.
Tehran nói rằng các camera mà họ đã ngắt kết nối là "cử chỉ thiện chí" của Iran ngoài thỏa thuận đã ký kết với IAEA.
Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) cho biết: “Kể từ hôm nay, các cơ quan hữu quan đã được lệnh cắt đứt Hệ thống Giám sát Làm giàu Trực tuyến (OLEM) và gỡ bỏ các camera đo lưu lượng của cơ quan này”.
AEOI nói thêm rằng việc Iran cho phép các camera này được hoạt động không được cơ quan giám sát của LHQ "đánh giá cao", mà coi đó là một "nghĩa vụ" của Iran.
Tuyên bố của Iran không nêu rõ có bao nhiêu camera đã bị ngắt, nhưng cho biết "hơn 80% số camera hiện có của IAEA đang hoạt động theo thỏa thuận giám sát và sẽ tiếp tục hoạt động như trước đây".
Tuyên bố cho biết thêm Behrouz Kamalvandi, phát ngôn viên của AEOI, đã "theo dõi việc gỡ bỏ hai camera của IAEA tại một cơ sở hạt nhân". Ông nói với kênh truyền hình của nhà nước: "Các biện pháp khác đang được xem xét và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ hiểu rõ và đáp lại sự hợp tác của Iran bằng sự hợp tác".
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng động thái của Iran, nếu được xác nhận, là "cực kỳ đáng tiếc" và "phản tác dụng" đối với nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Vũ khí hạt nhân-chỉ còn là vấn đề thời gian
Iran đã đạt được thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tehran, vốn phủ nhận việc họ đang tìm cách chế tạo bom hạt nhân, đã từ chối thực hiện một số cam kết của chính mình kể từ năm 2019.
Một số nước châu Âu đã bày tỏ lo ngại về việc Iran đã tiến xa như thế nào trong việc nối lại các hoạt động hạt nhân kể từ khi Mỹ bắt đầu áp đặt lại các lệnh trừng phạt vào năm 2018. Iran đã tích trữ một lượng lớn urani đã được làm giàu, một số được làm giàu đến mức cao hơn nhiều so với mức cần thiết cho việc sản xuất điện hạt nhân.
Hãng thông tấn nhà nước IRNA đưa tin, ngày 8/6, người đứng đầu tổ chức hạt nhân của Iran Mohammad Eslami đã nói rằng "Iran không có hoạt động hạt nhân nào được che giấu hoặc không có tài liệu và cũng không có cơ sở nào không được tiết lộ".
Ông quả quyết: "Những tài liệu giả mạo này nhằm tìm cách duy trì sức ép tối đa" đối với Iran. Ông Eslami muốn đề cập tới ba địa điểm mà IAEA đang lo ngại và các lệnh trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế Iran được Washington tái áp dụng.
Người đứng đầu tổ chức hạt nhân của Iran khẳng định Iran đã duy trì "hợp tác tối đa" với IAEA.
Tuy nhiên, ngày 6/6, người đứng đầu IAEA Rafael Grossi nói rằng việc Iran có thể có đủ nguyên liệu để chế tạo vũ khí hạt nhân "chỉ còn là vấn đề thời gian" nếu nước này tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của mình.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 8/6, IAEA thông báo với các nước thành viên rằng Iran đã bắt đầu lắp đặt một cụm máy ly tâm tiên tiến IR-6 tại một cơ sở làm giàu urani dưới lòng đất theo kế hoạch đã có từ lâu và hiện đang có ý định bổ sung thêm hai cụm hoặc các tầng như vậy.
Các động thái này được tiết lộ trong một báo cáo bí mật của IAEA gửi tới các quốc gia thành viên ngay trước khi Hội đồng Thống đốc của IAEA thông qua nghị quyết chỉ trích Iran.
Nhà máy làm giàu nhiên liệu (FEP) quy mô thương mại của Iran tại Natanz là nhà máy lớn nhất và được xây dựng dưới lòng đất, dường như để bảo vệ nhà máy này khỏi các cuộc bắn phá tiềm tàng từ trên không.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc trên thế giới chỉ cho phép Iran sử dụng các máy IR-1 thế hệ đầu tiên ở cơ sở Natanz, nhưng khi thỏa thuận bị đình trệ sau khi Washington rút lui vào năm 2018 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Iran đã lắp đặt các dòng máy ly tâm tiên tiến hiệu quả hơn như IR-2m và IR-4. Tuy nhiên, trong nhiều tháng, Tehran đã trì hoãn kế hoạch lắp đặt một loạt máy IR-6.
Báo cáo của IAEA cho biết: “Vào ngày 6/6, IAEA đã xác minh tại FEP, Iran đã bắt đầu lắp đặt các máy ly tâm IR-6 trong một tầng ở FEP như Iran đã khai báo trước đó với IAEA”. Trong lá thư IAEA nhận được ngày 6/6, Iran đã thông báo cho cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ về ý định lắp đặt thêm hai "tầng mới" các máy IR-6.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết thêm: "Ngày 8/6, IAEA cũng xác minh rằng việc lắp đặt hai tầng mới các máy IR-6 vẫn chưa được triển khai".
(theo Reuters, AFP)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thai-do-map-mo-hanh-dong-up-mo-iran-muon-qua-mat-iaea-186594.html