Thái Dũng - 'bác sĩ' của nhạc cụ

Dù không biểu diễn, nhưng người quen, bạn bè hay phần lớn những người đã từng gặp Thái Dũng thường gọi anh là nghệ sĩ. Lại có người gọi anh là bác sĩ bởi anh là người thẩm âm và làm nghề sửa đàn Piano.

Thái Dũng đang chỉnh sửa nhạc cụ.

Thái Dũng đang chỉnh sửa nhạc cụ.

Yêu và say mê tiếng dương cầm, Thái Dũng được giới nghệ sĩ biết đến là người cần mẫn, tỉ mỉ như một chú ong thợ. Dũng thường hay tự nói vui rằng mình là “công nhân đàn”. Thế nhưng bất cứ ai gặp anh, biết anh, cũng đều cảm nhận được chất nghệ sĩ trong con người Dũng, bởi anh có niềm say mê đối với âm nhạc, với ca hát.

Thi đỗ Trường Đại học Bách khoa và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Đứng giữa sự lựa chọn vô cùng khó khăn cho tương lai, cuối cùng Dũng chọn học Bách Khoa... Sau nhiều năm đèn sách với chuyên ngành kỹ thuật, tưởng như tình yêu với nghệ thuật đã phai nhòa, thế rồi cái duyên với nghệ thuật đã đưa anh đến với nghề sửa và lên dây đàn Piano.

Với 88 phím riêng biệt và âm vực rộng, không có loại nhạc cụ nào cho phép diễn tấu nhiều nốt trên cùng một âm vực trải rộng như đàn Piano. Và cũng chỉ duy nhất đàn Piano có thể chơi cùng một lúc những nốt nhạc có âm vực cao nhất và âm vực thấp nhất. Người ta ví đàn Piano như là “ông vua của các cây nhạc cụ” bởi sự phức tạp, và hiện nay Dũng đang là một trong số ít những người làm công việc chăm sóc cho những cây đàn đặc biệt ấy một cách cần mẫn, cẩn trọng. Thậm chí bất cứ khách hàng nào khi tận mắt nhìn thấy Dũng tỉ mẩn, nhẫn nại để căn cho từng âm thanh tròn, đầy cũng cảm thấy hài lòng.

Câu nói “nghề chọn người” có lẽ đúng với Dũng bởi công việc lên dây đàn Piano khá kén người. Một nghề đặc thù, ít người làm mà nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và độ chính xác rất cao, trong khi thu nhập mang lại thì lại chẳng mấy tương xứng. Chưa kể nghề lại đòi hỏi người làm nghề phải có chút năng khiếu trời phú và một lòng yêu nghề tuyệt đối thì mới gắn bó lâu dài được. Khoa học phát triển, việc lên dây đàn có thể dựa vào máy móc để đo độ cao của âm thanh chuẩn. Máy móc mang lại độ chính xác tuyệt đối, nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp, Dũng chia sẻ, nếu dùng máy lên dây thì âm sắc sẽ rất “cứng”, vì thế rất cần sự nhạy cảm và thẩm âm của đôi tai, từng chút từng chút tỉ mỉ và bằng kinh nghiệm của mình để mang đến cho cây đàn những âm sắc chuẩn cao độ nhưng vẫn có độ rung sai để tạo cho âm thanh sự mềm mại, bay bổng.

Chứng kiến Thái Dũng làm việc, có thể nói đây cũng là một nghề khá khắc nghiệt bởi luôn trực tiếp bị ảnh hưởng bởi âm thanh cao tần. Dũng chia sẻ, thời gian mới vào nghề, liên tục tiếp xúc với âm thanh cao tần đã gây cho anh khá nhiều áp lực. Đôi tai cũng đã có lúc ngoài sức chịu đựng, cũng vì lý do đó anh tự đặt ra quy định riêng cho mình trong nghề nghiệp, mỗi ngày, anh chỉ sửa một số lượng đàn nhất định để đảm bảo đôi tai của mình cảm nhận được tốt nhất âm thanh chuẩn. Bao khó khăn ban đầu khi mới vào nghề, dần biến thành niềm đam mê để sau rất nhiều sự lựa chọn, anh đã chọn con đường rất ít người bước đi làm sự nghiệp của mình và quyết tâm theo đuổi đến.

Đánh giá về “người thợ” đặc biệt này, nhiều nghệ sĩ nhìn Thái Dũng là “gã” trai Hà thành luôn mang khí chất của người Hà Nội. Đặc biệt, Thái Dũng thích hát và hát rất hay, đặc biệt những ca khúc về Hà Nội. Dù bận bịu với trăm mối lo toan của công việc, của cuộc sống gia đình, anh vẫn luôn giành thời gian cho sở thích riêng là ca hát của mình. Thái Dũng hát có khi chỉ cho chính mình, có khi là lên sân khấu giao lưu cùng một ca sĩ anh yêu thích... Thậm chí có khi tụ tập bạn bè là những ca sĩ, nhạc sĩ để tổ chức những buổi giao lưu, để được hát cho thỏa đam mê.

Nghề sửa đàn, xét cho cùng cũng là làm việc với âm thanh, cũng là cần cảm nhận của tâm hồn, nên phần nào giúp anh thăng hoa hơn mỗi lần được hát.

Gặp Thái Dũng, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh anh chàng thích mặc đồ lính, mang ba lô nặng trĩu những dụng cụ đồ nghề sửa chữa đàn nhưng luôn có tác phong đĩnh đạc với giọng nói trầm, ấm. Nhưng nếu nghe anh hát, sẽ thấy được sự phóng khoáng, không khuôn mẫu, không bài bản, rất nhẹ nhàng chạm đến lòng người nghe cũng giống như cách anh yêu và chăm sóc những cây đàn Piano luôn làm hài lòng mọi đối tượng. Dũng Piano là tên mà những khách hàng sau này trở thành những người bạn thân thiết gọi anh với đầy sự kính trọng, yêu mến.

Việt Hà - Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/am-nhac/thai-dung-bac-si-cua-nhac-cu-tintuc461151