Thái Hòa mong sớm đưa chăn nuôi bò sữa ra khỏi khu dân cư

Được biết đến là nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho nhiều hộ dân, song nghề chăn nuôi bò sữa ở xã Thái Hòa (Lập Thạch) đang kéo theo những hệ lụy về môi trường. Điều này, đòi hỏi địa phương cần sớm có giải pháp đưa chăn nuôi bò sữa ra khỏi khu dân cư.

Những năm chăn nuôi thuận lợi, gia đình ông Nguyễn Tiến Vũ, xã Thái Hòa (Lập Thạch) thu lãi 100 -200 triệu đồng/năm từ bò sữa. Ảnh Thế Hùng

Những năm chăn nuôi thuận lợi, gia đình ông Nguyễn Tiến Vũ, xã Thái Hòa (Lập Thạch) thu lãi 100 -200 triệu đồng/năm từ bò sữa. Ảnh Thế Hùng

Từ chỗ chỉ có 7 hộ dân trong xã nuôi thử nghiệm và áp dụng mô hình chăn nuôi bò sữa theo dự án Việt Bỉ năm 2002, đến nay, xã Thái Hòa đã có 39 hộ tham gia nuôi bò sữa với tổng đàn lên tới 495 con.

Ông Nguyễn Anh Chiến, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết: “Mặc dù trải qua không ít thăng trầm, có những thời điểm giá sữa xuống thấp khiến nhiều hộ phải bỏ nghề. Song nhìn chung, suốt những năm qua, chăn nuôi bò sữa vẫn là hướng phát triển kinh tế có hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho bà con địa phương”. Được biết, năm 2021, tổng doanh thu từ chăn nuôi bò sữa của xã đạt trên 15 tỷ đồng.

Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế, nghề chăn nuôi bò sữa ở Thái Hòa cũng đưa đến những hệ lụy không nhỏ về môi trường. Tại gia đình chị Hà Thị Minh, thôn Đồng Làng, một trong những hộ chăn nuôi bò sữa quy mô lớn của xã, gần chục con bò sữa trưởng thành đứng chen chúc trong gian chuồng vỏn vẹn 10m2. Cạnh đó là mấy con bò nhỏ không có chỗ nhốt nằm nghênh ngang ngay giữa sân.

Được biết, gia đình chị Minh bắt đầu chăn nuôi bò sữa từ hơn 10 năm trước. Ban đầu chỉ có 3 con bò. Về sau, nhận thấy giá trị kinh tế mà bò sữa mang lại, chị đã nhân giống, mở rộng quy mô. Nhưng do điện tích có hạn, gia đình chị đành phải tận dụng khoảng sân nhỏ trước nhà để làm chuồng, song cũng chẳng cải thiện được là bao.

Chị Minh cho biết: “Chuồng trại chật hẹp, lại nằm cách gian nhà chính chỉ vài mét. Bởi vậy, lúc không ở nhà thì không nói, chứ đã ở nhà là vợ chồng tôi phải luôn chân luôn tay dọn dẹp chuồng nuôi. Nếu không thì không thể thở được”. Tất nhiên dù chất thải chăn nuôi sau thu gom hằng ngày đều được chở ra ruộng bón cho cỏ voi, còn nước thải đã có hầm biogas xử lý, xong vẫn khó tránh khỏi mùi hôi thối khó chịu còn xót lại.

Với tổng đàn gần 500 con bò sữa, xã Thái Hòa xuất bán 3 -3,5 tấn sữa mỗi ngày

Với tổng đàn gần 500 con bò sữa, xã Thái Hòa xuất bán 3 -3,5 tấn sữa mỗi ngày

Thực tế, không chỉ riêng gia đình chị Minh, việc sống chung với mùi phân, nước tiểu từ chăn nuôi bò sữa là tình trạng chung mà hầu hết những hộ chăn nuôi ở Thái Hòa đã và đang gặp phải. Bởi hiện nay, 100% các hộ chăn nuôi đều chăn nuôi ngay trong khu dân cư.

Anh Hà Minh Luân, Giám đốc HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa xã Thái Hòa cho biết: "Trung bình mỗi con bò sữa thải ra khoảng 30kg chất thải mỗi ngày". Như vậy, với gần 500 con bò, mỗi ngày xã Thái Hòa có khoảng 15 tấn chất thải từ chăn nuôi bò sữa. Đó là chưa kể lượng nước thải trong chăn nuôi cũng không phải là con số nhỏ, bình quân khoảng 3 - 4 m3/ngày/hộ.

Mặc dù hầu hết các hộ này đều có sử dụng hầm biogas để xử lý nước thải, song theo anh Luân, hiệu quả xử lý của các hầm biogas hiện nay chưa cập được so nhu cầu chăn nuôi bò sữa của xã.

Chị Minh chia sẻ thêm: “Mong muốn lớn nhất của các hộ chăn nuôi như chúng tôi hiện nay là được tạo điều kiện để ra các khu chăn nuôi tập trung. Vừa là để có diện tích mở rộng, phát triển chăn nuôi, vừa là hạn chế ô nhiễm môi trường sống”.

Anh Nguyễn Anh Chiến, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết: "Nhận thấy vai trò của chăn nuôi bò sữa đối với phát triển kinh tế địa phương cũng như những hệ lụy mà chăn nuôi đem lại, địa phương đã sớm có quy hoạch khu chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 100 ha. Tuy nhiên, hiện nay, xã đang gặp khó khăn trong việc làm thủ tục, hồ sơ để thu hồi đất.

Trước mắt, xã vẫn vận động các hộ chăn nuôi tự chủ động các giải pháp khắc phục khó khăn, đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi. Mặt khác, địa phương cũng đang xem xét, nghiên cứu phương án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu chăn nuôi tập trung nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển chăn nuôi bò sữa hiện nay”.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/80923/thai-hoa-mong-som-dua-chan-nuoi-bo-sua-ra-khoi-khu-dan-cu.html