Thái Hòa tiếc nuối vì bị cắt cảnh quay trong 'Địa đạo'

Trong cuộc trò chuyện hậu trường, Thái Hòa đã chia sẻ những trải nghiệm đặc biệt, và nhất là nỗi tiếc nuối về một cảnh quay sâu sắc của nhân vật Bảy Theo bị cắt khỏi bản dựng cuối cùng.

Phim điện ảnh "Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật sau năm 1967 tại vùng đất Củ Chi, khi các tiểu đội du kích kiên cường bám trụ trong lòng đất để chiến đấu chống lại những cuộc càn quét tinh vi của quân đội Mỹ. Trong phim, diễn viên Thái Hòa thủ vai Bảy Theo – người đội trưởng gan góc, tận tụy với đồng đội và lý tưởng kháng chiến.

Thái Hòa thủ vai Bảy Theo – người đội trưởng gan góc, tận tụy với đồng đội và lý tưởng kháng chiến.

Thái Hòa thủ vai Bảy Theo – người đội trưởng gan góc, tận tụy với đồng đội và lý tưởng kháng chiến.

"Cảnh quay Bảy Theo hy sinh bị cắt khiến tôi tiếc nhất"

Nhắc về quá trình quay "Địa đạo", Thái Hòa không giấu được cảm xúc khi kể về cảnh Bảy Theo trước lúc hy sinh – một cảnh phim mà anh cho rằng thể hiện rõ nhất tinh thần nhân vật: “Cảnh mà tôi tiếc nhất là cảnh Bảy Theo trước lúc hy sinh. Cảnh đó với tôi rất đặc biệt, tại vì nó cho thấy rõ nhất tinh thần, ý tưởng sống của nhân vật Bảy Theo – một người sống gần như chỉ vì đồng đội”.

“Tôi tiếc cảnh đó lắm, vì quay xong tôi thấy rất đã, rất hài lòng với cảm xúc mình đạt được. Nhưng sau này anh Chuyên cắt mất. Tôi hiểu cho anh Chuyên thôi, vì mình thì chỉ tham cho vai diễn của mình, còn anh phải lo cho cả bộ phim, phải lèo lái mọi thứ cho nhịp phim trôi đúng. Nên mình tiếc thì tiếc vậy, nhưng vẫn phải chấp nhận”, Thái Hòa chia sẻ.

Không khí thân thiết giữa các diễn viên cũng góp phần lớn tạo nên cảm xúc cho bộ phim. Trước khi bấm máy, tiểu đội du kích Bình An Đông đã có hai tháng sinh hoạt, tập luyện, chui hầm địa đạo cùng nhau. “Đến lúc chính thức bấm máy, cả đội đã rất thân thiết, gắn bó. Ai cũng hiểu tính cách của nhau – như Út Khờ thì thế nào, Sáu Lập ra sao – thậm chí những trò đùa, những lần "tạt" nhau cũng thành thói quen”, Thái Hòa kể.

Chính nhờ vậy, hình ảnh những chiến sĩ du kích trong phim hiện lên sống động, chân thực như một tiểu đội thật sự, không cần gồng hay cố gắng diễn xuất quá mức. Có lẽ điều đọng lại sâu sắc nhất với Thái Hòa không chỉ là kỹ năng, những cảnh quay hay sự khắc nghiệt của bối cảnh, mà là tình cảm đồng đội.

“Mình thật sự thương hết cả ekip, cả nguyên đám du kích, có lẽ là nhờ cái tình cảm và quá trình gắn kết với nhau suốt thời gian chuẩn bị. Vậy nên lúc bước vào quay, giống như mình đã nói, mình không còn thấy ai là diễn viên nữa, không còn thấy Hằng Lamoon, Hồ Thu Anh hay bất kỳ ai với tư cách cá nhân, mà nhìn nhau chỉ thấy như những đồng đội thật sự. Mình thương tụi nó lắm. Nhất là những lúc nhận tin đứa này hy sinh, đứa kia hy sinh trong phim, thật sự lúc đó có một phần nào cảm xúc dâng lên, khó tả lắm. Những cảm xúc đó cũng hỗ trợ cho diễn xuất rất nhiều. Và mình cũng thương nhân vật Bảy Theo vô cùng”, Thái Hòa chia sẻ.

Vợ thấy xót khi tôi phải giảm cân để đóng “Địa đạo”

Nhớ về những ngày đầu chuẩn bị cho vai diễn, Thái Hòa đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tư liệu lịch sử. Anh cho biết: “Khi bắt đầu có thời gian tập trung cho phim, tôi đã tìm kiếm khá nhiều tư liệu trên mạng. Trên YouTube, tài liệu về địa đạo Củ Chi rất phong phú, có cả những bộ phim tài liệu nhiều tập về đội ‘Chuột Cống’ của Mỹ”.

Không dừng lại ở đó, anh còn đọc nhật ký của ông ngoại vợ – người từng chiến đấu ở Củ Chi, và cùng ekip gặp gỡ nhiều cựu chiến binh để lắng nghe ký ức sống động về thời kỳ địa đạo. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này giúp Thái Hòa bước vào nhân vật Bảy Theo một cách tự nhiên và chân thật.

Nếu nhiều người hình dung đóng phim chiến tranh là khổ cực, thì với Thái Hòa, trải nghiệm đó lại tràn ngập niềm vui. Anh thẳng thắn: “Trong lúc làm phim, tôi không thấy cực – chỉ thấy sướng thôi”.

Từ việc ăn uống kham khổ – mỗi ngày chỉ ăn gạo rang – đến những ngày nắng nóng đỉnh điểm ngoài thao trường, mọi thứ đều trở thành trải nghiệm đáng quý. “Có lúc tôi còn đùa: ‘Chắc mấy ông kiếp trước ăn ở sao mà kiếp này phải đi quay Địa Đạo cực khổ vậy’.

Ví dụ như những cảnh trong phim, thấy diễn viên mồ hôi nhễ nhại – đó là mồ hôi thật 100%. Diễn viên ai cũng máu lửa lắm. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên còn muốn bơm máy lạnh vào địa đạo cho diễn viên đỡ mệt, nhưng diễn viên phản đối um sùm, đòi để mồ hôi đổ thật, quay cho đẹp, cho chân thực. Nhiều khi còn tự chui lại gần cái đèn dầu cho mồ hôi đổ thêm.

Nếu nói về độ "hành xác" thì phim này cực hơn nhiều phim khác. Vì bối cảnh, thể loại và cách quay đều rất đặc thù. Nhưng trong suốt thời gian quay, không ai than một tiếng "cực" nào hết – ai cũng thấy vui, thấy sướng vì được làm công việc mình yêu thích. Riêng tôi thì thoải mái lắm.

Quay xong cảnh, tôi có thể lăn ra nằm bất cứ đâu. Chứ đóng vai đại gia, giàu có, mặc đồ đẹp, quay xong còn phải giữ phục trang, ngồi cũng phải chỉnh sửa từng chút, mệt hơn nhiều. Phim này, diễn xong là cứ đụng đâu nằm đó được.

Nói cực thì thực ra, người cực nhất không phải diễn viên chính, mà là các bạn đóng lính Mỹ.

Đoạn quay lính Mỹ là ở ngoại cảnh, đỉnh điểm nóng hơn 40 độ C. Cả khu bối cảnh không có một bóng râm. Quay cảnh chiến đấu giữa khói lửa, lại phải mặc đồng phục lính Mỹ dày cộp, đeo balô nặng, súng ống đầy người, leo lên xe tăng phơi nắng. Có lúc nhiệt độ xe tăng chắc phải lên tới 70-80 độ. Các bạn diễn viên Mỹ xỉu lên xỉu xuống, xỉu xong lại được chăm sóc rồi xông ra quay tiếp. Rất chuyên nghiệp.

Nên thật lòng mà nói, so với những bạn đó, tôi chẳng dám nhận mình cực”, Thái Hòa kể.

Đặc biệt, Thái Hòa còn kể lại việc giảm cân cấp tốc để vào vai: “Tôi có gần hai tháng để làm điều đó, mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Vợ tôi lo lắng, cứ bảo phải giữ sức khỏe, nhưng lúc đó tôi vẫn thấy vui vì ăn ngày một bữa tính ra lại tốt: giảm cân nhanh, cơ thể khỏe hơn, mỡ mất đi nhanh hơn. Chuyện ăn ngày một bữa đối với tôi cũng dễ dàng thôi. Thói quen này có từ hồi còn sinh viên, nghèo quá không có tiền ăn, nhiều khi chỉ có vài nghìn đồng, uống nước đá cho qua bữa”.

Cùng với chế độ ăn uống nghiêm ngặt, Thái Hòa còn tập luyện thể lực liên tục. “Mỗi ngày mất ít nhất hai lít mồ hôi. Ở nhà thì phải tập boxing, đeo balo mấy ký, leo bộ hùng hục mới đổ mồ hôi. Còn lên đoàn phim, khỏi tập gì hết, mồ hôi cũng túa ra cả ngày”.

Nhập vai Bảy Theo không chỉ đơn thuần là thuộc thoại hay cảm được tâm lý nhân vật. Thái Hòa còn phải tập luyện thành thạo kỹ năng sử dụng vũ khí.

“Có mấy ngày mình được tập trên thao trường, rồi trước khi vào quay cũng được bắn súng thật. Mà nói thiệt, lúc bắn thật thì sợ lắm, chứ không phải sung sướng như Bảy Theo trong phim cầm súng bắn đùng đùng đâu.” – Thái Hòa cười nhớ lại.

Những ngày đầu tập bắn, chỉ bắn được ba viên, anh đã phải xin dừng vì tiếng súng lớn quá, gây choáng ngợp. Để tạo phản xạ tự nhiên, Thái Hòa đem súng giả về nhà tập tháo ráp, thậm chí ngủ cũng ôm súng. “Nhiều khi làm phiền trong đoàn vì cứ tập lên đạn hoài, tiếng súng AK giả chát chúa lắm. Nhưng phải tập như vậy thì lúc diễn mới thật”.

Không có diễn viên nào là "bảo chứng" phòng vé, chính bộ phim mới quyết định

Hơn hai thập kỷ gắn bó với điện ảnh, Thái Hòa vẫn giữ được sự háo hức mỗi lần hóa thân vào nhân vật mới. Anh thừa nhận: "Tôi bị mau chán lắm. Làm một dạng vai mà lặp đi lặp lại là tôi mau chán. Nhiều khi khán giả chưa kịp chán mình thì mình đã chán trước rồi".

Với Thái Hòa, không cần cố gắng xây dựng một hình tượng cố định trong mắt khán giả. Tình yêu nghề và sự tận tâm với mỗi vai diễn mới chính là cách tự nhiên nhất để tạo nên dấu ấn lâu dài. Anh chia sẻ: "Mỗi vai diễn, mỗi bộ phim đều như một lần bắt đầu lại từ đầu. Tôi mê diễn xuất, mê nhân vật. Nếu gặp đúng ekip tốt, đúng thời điểm, thì vai nào tôi cũng sẵn sàng".

Nói về “Địa đạo”, Thái Hòa không giấu được niềm tự hào: "Tôi xác định ráng tận hưởng từng khoảnh khắc mình còn được làm nghề. Với tôi, “Địa đạo” không chỉ là một bộ phim, mà còn là một trải nghiệm quý giá".

Anh cho biết thêm, bản thân khi nhận vai Bảy Theo không quá bận tâm đến yếu tố thể loại hay chiến tranh: "Lúc làm phim này, tôi không nghĩ nhiều tới chuyện đây là phim chiến tranh hay thể loại gì hết. Tôi chỉ nghĩ đơn giản đây là một vai diễn. Và với mỗi vai diễn, tôi luôn cố gắng hiểu nó, tìm cái 'chìa khóa' để mình nhập vai, để làm cho ra nhân vật đó. Tự bản thân tôi thấy mình mới là người may mắn. Trong bối cảnh hiện tại, phim ảnh bây giờ mà tìm được một dự án như thế này – một bộ phim chiến tranh, có nhà đầu tư chịu bỏ tiền làm đàng hoàng – là chuyện hiếm lắm. Tôi cảm thấy rất may mắn khi được tham gia. Có những lúc tôi còn tưởng mình mất vai này rồi, tưởng bị cắt vai luôn. Nhưng cuối cùng, cái duyên giữ mình lại với dự án này".

Nên với anh, sự gắn bó với “Địa đạo” không chỉ đơn thuần là một lần nhận vai, mà còn là một may mắn lớn trong sự nghiệp.

Quan điểm của Thái Hòa về "bảo chứng phòng vé" cũng rất thẳng thắn và thực tế. Anh không coi tên tuổi cá nhân là yếu tố quyết định thành công của một bộ phim:

"Bảo chứng phòng vé thực ra cũng tùy theo từng phim thôi chứ. Tôi nghĩ không có diễn viên nào thật sự gọi là 'bảo chứng' hết. Bản thân bộ phim đó mới là thứ bảo chứng cho nó".

Anh lấy ví dụ, rất nhiều phim ở Việt Nam hay trên thế giới thành công vang dội mà không cần ngôi sao lớn, thậm chí do những gương mặt mới thủ vai chính. Theo Thái Hòa, điều quyết định vẫn là chất lượng của bộ phim.

"Cái quan trọng vẫn là bộ phim đó ra sao, chứ không phải chỉ nhờ một cái tên diễn viên nào. Phim thành công về doanh thu thì mình vui chứ. Nhưng tôi chỉ ráng làm tốt nhất vai trò của mình, làm một diễn viên thật tử tế. Còn chuyện ăn khách hay doanh thu thế nào, cái đó để cho nhà sản xuất, cho những người phát triển dự án họ lo. Mình có lo cũng đâu làm được gì", Thái Hòa nói.

Chính vì vậy, điều thiết thực nhất đối với Thái Hòa trong mỗi dự án điện ảnh vẫn là sự tận tụy với nhân vật, sự trung thực với chính nghề diễn: "Tôi nghĩ điều thiết thực nhất là mình cứ ráng làm tốt cho vai diễn của mình thôi".

Hà Phương/VOV.VN Ảnh: Nick M

Nguồn VOV: https://vov.vn/giai-tri/thai-hoa-tiec-nuoi-vi-bi-cat-canh-quay-trong-dia-dao-post1189611.vov