Thái Lan đặt mục tiêu phát triển 10.000 startup trong thời gian tới
Thái Lan đặt mục tiêu phát triển 10.000 công ty khởi nghiệp cho năm lĩnh vực chính là nông nghiệp, y tế, du lịch, quyền lực mềm và năng lượng, bao gồm cả xe điện, trong đó, có 1.500 dự án hoàn toàn mới.
Vì sao startup Thái Lan lại yếu kém?
Đó là do tính “bảo thủ” của người Thái Lan đã cản trở sự đổi mới của chính mình. Bitkub, sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số lớn nhất Thái Lan, từng được kỳ vọng sẽ vượt qua mức định giá 1 tỉ đô la, trở thành kỳ lân trong các startup của xứ chùa vàng. Nhưng tháng 2-2022 Ủy ban Giao dịch chứng khoán Thái Lan đã siết chặt các hạn chế đối với tiền điện tử, cấm sử dụng loại tiền này làm phương thức thanh toán do lo ngại về bất ổn tài chính. Từ thời điểm đó, Bitkub buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh.
Hãng kiểm toán Deloitte đã xác định 13 thách thức lớn ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Thái Lan, bao gồm tình trạng độc quyền của các nhóm lợi ích hay tập đoàn, thiếu nhà đầu tư và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này có thể khiến các startup thoái lui.
Thủ tục giấy tờ và quy định về kinh doanh khá phức tạp ở Thái Lan. Không có cơ quan chính phủ tập trung vào việc xử lý giấy tờ hay hỗ trợ các công ty mới. Người sáng lập cần phải vác đơn đến nộp ở nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau. Nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của chính phủ yêu cầu các startup phải gửi văn bản để được hỗ trợ, việc phê duyệt có thể mất nhiều năm.
Thiếu vốn cho startup non trẻ
Năm 2022, Bangkok được xếp hạng 99 trên toàn thế giới về các chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp, tụt 28 bậc so với năm 2021 – theo bảng xếp hạng của StartupBlink, Israel.
“Thứ hạng của Thái Lan khá thấp bởi vì thế giới không biết nhiều và đủ về Thái Lan. Họ không biết chúng ta có bao nhiêu startup hoặc bao nhiêu nhà đầu tư mạo hiểm. Người Thái rất kín kẽ, giấu mình trong vỏ bọc và chăm chỉ làm việc”, theo lời bà Charle Charoenphan, Giám đốc Thailand Accelerator – một chương trình gia tốc cho startup tăng trưởng của chính phủ được thành lập tháng 11-2022.
“Có rất nhiều doanh nhân và nhà sáng lập giỏi ở Thái Lan, nhưng nếu họ không có tiền, họ sẽ không thể khởi nghiệp. Chúng ta nên có một hệ sinh thái khởi nghiệp rất mạnh và những startup đầy tiềm năng. Tất cả những gì chúng ta cần làm là thu hút thêm nhiều cố vấn và nhà đầu tư mạo hiểm bơm vốn cho các startup giai đoạn đầu, và cả các startup giai đoạn tăng trưởng”, bà Charle nhấn mạnh.
Phần lớn vốn tập trung vào các startup tương đối quy mô hoặc đang trong giai đoạn tăng trưởng, nên các startup Thái ở giai đoạn đầu gặp khó khăn về vốn. “Đó là thách thức lớn nhất đối với các công ty khởi nghiệp thời hậu Covid-19 và suy thoái kinh tế. Vậy làm thế nào chúng ta có thể giúp giới trẻ Thái khởi nghiệp, đặc biệt là những bạn trong giai đoạn đầu rất cần vốn và cả startup đang trong giai đoạn tăng trưởng?”, Oranuch Lerdsuwankij, CEO và là đồng sáng lập của Techsauce Media đặt ra vấn đề về vốn cho các startup của Thái Lan.
Trao đổi với tờ Nikkei Asia, Nhật Bản, Krithpaka Boonfueng, Giám đốc điều hành của Cơ quan Đổi mới Quốc gia (NIA) cho biết, chính quyền Thái Lan muốn tăng số lượng các startup và cải thiện hiệu suất của nền kinh tế của nước này. Theo đó, Thái Lan muốn có mặt trong danh sách 30 quốc gia hàng đầu thế giới về đổi mới công nghệ vào năm 2030.
Vì thế, trong giai đoạn 2024-2027, Chính phủ Thái Lan dự định cung cấp 5 tỉ baht (138 triệu đô la) cho các khoản tài trợ và quỹ đầu tư của Cơ quan Đổi mới quốc gia (NIA). Số tiền này tăng gấp 2 lần số tiền được phân bổ trong bốn năm trước đó.
Hiện Thái Lan xếp thứ 43 trong Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore xếp vị trí thứ 5 và Malaysia ở vị trí thứ 36.
Theo Nikkei Asia, Deal Street Asia, Thai PBS World