Thái Lan - Điểm nóng buôn lậu vũ khí
Thái Lan là một trong số ít những nước châu Á cho phép người dân được sở hữu súng đạn. Kể từ năm 1947 đến nay, người Thái có quyền mang súng bên mình vì mục đích tự vệ, bảo vệ tài sản và săn bắn. Mặt khác, tỷ lệ tử vong vì súng đạn ở Thái Lan rất cao, cao hơn cả Mỹ và Pakistan.
Nói vậy hẳn nhiều người sẽ lầm tưởng rằng số người chết cao như vậy là vì Bangkok cho phép dân chúng sở hữu súng đạn. Một phần lớn những vụ giết người được thực hiện bằng súng lậu, súng không giấy tờ mua ở chợ đen. Có một cuộc chiến ngầm đang diễn ra giữa một bên là cảnh sát, quân đội, tòa án Thái Lan và bên kia là những đường dây buôn lậu vũ khí quốc tế.
Mạng nhện
Nhiều người nước ngoài lần đầu tiên biết đến mạng lưới buôn lậu vũ khí ở Thái Lan qua cuộc nổi dậy ở tỉnh Aceh, Indonesia. Sau khi giữa các bên đạt được thỏa thuận hòa bình vào năm 2005, phe nổi dậy tiến hành giải giáp và giao nộp một số lượng lớn vũ khí cho chính quyền Indonesia. Hầu hết số súng đạn này hoặc là được sản xuất tại Thái Lan, hoặc từng được vận chuyển từ Campuchia qua Thái Lan sang Indonesia. Nguyên thủ tướng Thaksin Shinawatra khi đó đã phải lên truyền hình công khai nhận số vũ khí trên lấy ra từ kho quân đội Thái Lan và tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra ở cấp Bộ Tổng tham mưu.
Vậy nhưng mạng lưới buôn lậu vũ khí ở Thái Lan tồn tại từ trước khi nổ ra cuộc nổi dậy ở Aceh. Nhà phân tích Robert Karniol viết trên tờ The Straits Times: “Lịch sử nhiều đường dây buôn lậu vũ khí tại Thái Lan bắt đầu từ việc cung câp vũ khí cho những nhóm nổi dậy ở các nước láng giềng. Các tổ chức ở vùng biên giới Thái Lan bắt đầu thu gom lại những nguồn súng ống, đạn dược còn để lại từ thời chiến tranh Việt Nam hoặc chiến tranh Campuchia. Sau đó họ sẽ bán lại số vũ khí này cho lực lượng nổi dậy tại Myanmar, Lào và thậm chí là cả nhóm Những con hổ giải phóng Tamil ở Sri Lanka.”
Vào hồi đầu thập niên trước, các phong trào nổi loạn ở Đông Nam Á và Nam Á dịu xuống, còn nguồn vũ khí hậu chiến tranh cũng cạn dần. Các đường dây buôn lậu chuyển sang việc ăn trộm súng và trang thiết bị quân sự của quân đội Thái bán cho bọn tội phạm ma túy. Nhà phân tích Karniol viết: “Việc trộm cắp vũ khí từ các kho quân đội Thái xảy ra thường xuyên. Thậm chí ngay cả các kho chiến lược do quân đội Mỹ đặt tại Thái Lan cũng bị ăn trộm. Chỉ qua một đêm mà có kho quân đội Mỹ đã để mất 32 khẩu súng bazooka, 69 lựu đạn, và 8000 viên đạn.”
Vẫn theo Karniol thì: “Để tránh bị phát hiện, những đối tượng buôn lậu móc nối với một số sỹ quan quân đội Thái. Mỗi khi tổ chức tập trận, những sỹ quan đã “nhúng chàm” sẽ nâng khống số súng đạn được sử dụng trong báo cáo trình lên Cục hậu cần. Lượng vũ khí, đạn dược dôi ra sau đó sẽ được tuồn ra ngoài chợ đen. Những cửa hàng bán súng cũng làm như vậy để đánh lừa Cục Quản lý súng đạn.”
Lợi nhuận từ việc buôn lậu súng ống không phải ít. Theo thông tin cảnh sát Thái khai thác được ở khu vực Tam Giác Vàng, chỉ một viên đạn 5.56mm dành cho tiểu liên M16 cũng đã lên đến 15 Baht. Cảnh sát sau đó đã lần ngược từ số đạn này đến trung sỹ không quân Pakhin Detphong. Anh này thu gom vũ khí ăn trộm được 29 khẩu AK, 4 súng máy, 4000 viên đạn, và 53 lựu đạn. Pakhin sau đó lái xe tải chở số vũ khí trên đến biên giới Thái Lan - Myanmar để bán.
Những chiếc vòi bạch tuộc
Thái Lan hiện còn là điểm trung chuyển trên các tuyến đường buôn lậu vũ khí quốc tế. Hồi đầu năm 2009, một chiếc Ilyushin IL-76 của Georgia khởi hành từ Bangkok sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Nhà chức trách UAE nhận thấy có dấu hiệu bất thường nên đã giữ máy bay lại. Họ phát hiện ra chiếc IL-76 chở 35 tấn vũ khí trái phép. Không bên nào nhận trách nhiệm, nhưng có nhiều nghi ngờ rằng số súng đạn sẽ được tuồn từ UAE sang Pakistan hoặc Afghanistan.
Vũ khí có nguồn gốc từ Thái Lan còn tìm được đường sang khu vực Bắc Caucasus đầy bất ổn. Những băng nhóm tội phạm ở nước Cộng hòa Ingushetia thuộc Nga đã móc nối với các đường dây buôn lậu Thái Lan để cung cấp vũ khí cho một số nhóm ly khai Hồi giáo Caucasus. Thủ đoạn của chúng là thuê các cô gái nhảy để họ ăn trộm súng của khách đến sàn nhảy, rồi tháo súng ra từng bộ phận giấu trong các kiện hàng linh kiện điện tử xuất khẩu sang Nga. Trong vòng 5 năm mà chúng đã đã nhập lậu được hơn 300 khẩu súng lục các hiệu Glock, SiG Sauer, CZ và Walther.
Một đối tượng có liên quan trực tiếp đến đường dây này là ông trùm buôn lậu vũ khí người Nga Viktor Bout. Danh tiếng của Viktor Bout lớn đến mức Hollywood còn dựa trên cuộc đời của y để làm bộ phim “Lord of Death” do tài tử Nicholas Cage đóng vai chính. Vào đầu năm 2008, cơ quan chống ma túy DEA của Mỹ lần theo Viktor đến một khách sạn tại Bangkok. Đặc vụ của họ giả dạng làm những tên buôn ma túy Colombia đi tìm mua vũ khí để có cớ tiếp cận Viktor. Y và sáu tên đồng bọn khác đã “cắn câu” để rồi bị bắt gọn trong khi đang gặp gỡ “khách hàng”.
Theo lời khai của Viktor Bout thì tổ chức của y có khả năng chở 100 tên lửa vác vai Igla từ Nga sang Thái Lan để giao cho khách mua. Trong trường hợp đối tác trả thêm cho chúng thêm 5 triệu USD nữa, tổ chức sẵn sàng lấy may bay chở số tên lửa trên đến Colombia mà thả dù xuống. Thật khó để xác định chính xác xem liệu Viktor thật sự có khả năng chở vũ khí đến Thái Lan không, nhưng việc để kẻ buôn lậu vũ khí khét tiếng như y ở tại một khách sạn ngay giữa thủ đô Bangkok quả thật là thiếu sót của lực lượng hành pháp Thái Lan.
Đi tìm lời giải
Theo nhiều nhà quan sát, chừng nào Thái Lan còn chưa giải quyết được vấn đề Tam Giác Vàng, nạn buôn lậu vũ khí nóng sẽ còn hoành hành ở đất nước này. Những kẻ buôn ma túy càng giàu lên, chúng lại càng cần mua thêm súng ống để tranh giành địa bàn và chống lại các lực lượng thực thi pháp luật. Khu vực Tây Bắc Thái Lan bên trong địa bàn Tam Giác Vàng lại nằm trong số những vùng nghèo nhất đất nước này. Thế rồi lại còn sự mở rộng quân đội Thái Lan trên cả hai mặt nhân sự và trang thiết bị kỹ thuật. Đây là những yếu tố hoàn hảo để những kẻ buôn súng làm giàu.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha vẫn nhớ khi ông còn giữ chức tướng và được giao nhiệm vụ “giải quyết” lực lượng Biểu tình áo đỏ. Những người biểu tình mua được súng đạn, thuốc nổ từ chợ đen, từ đó dẫn đến những vụ nổ súng vào binh lính và đánh bom những cơ quan nhà nước, quân đội. Đến khi kết thúc các cuộc biểu tình, cảnh sát Thái Lan chỉ phá thành công 43 trong số 147 quả bom được gài. Ông Prayut Chan-o-cha là người trực tiếp chịu trách nhiệm về thất bại này.
Một trong những chính sách đầu tiên ông Chan-o-cha đưa ra sau khi dành thắng lợi trong cuộc bầu cử 2019 là thu hẹp phạm vi áp dụng luật sở hữu súng. Trước đây những người nước ngoài cư trú dài hạn ở Thái Lan có quyền mua bán, sử dụng súng. Ngày nay chỉ có công dân Thái mới được sở hữu súng. Chính phủ cũng tăng khung hình phạt lên đối với những đối tượng sở hữu vũ khí trái phép.
Hiện nay các nỗ lực chống buôn lậu vũ khí đang được tập trung quanh khu vực biên giới Thái Lan - Myanmar. Ngay sau khi quân đội Myanmar thực hiện đảo chính hồi đầu năm ngoái đã xuất hiện phong trào nổi dậy chống lại họ. Nắm bắt cơ hội này, những kẻ buôn lậu Thái Lan đã tuồn số lượng lớn vũ khí sang cho quân nổi dậy Myanmar. Quân đội chính phủ Myanmar khi tiến hành chiến dịch tấn công bang Kayah hồi tháng 7 năm ngoái đã phải chịu thương vong lớn vì vũ khí hạng nặng của quân nổi dậy. Bang Kayah nằm ngay bên kia biên giới với tỉnh Mae Hong Song của Thái Lan, một “điểm nóng” về buôn bán ma túy và vũ khí.
Bước đầu chiến dịch truy quét các nhóm buôn lậu vũ khí tại biên giới của quân đội và cảnh sát Thái Lan đã đạt được một số thành công. Họ mới tịch thu được 6,000 viên đạn 7.62mm và 112 mìn chống bộ binh K75 trên đường vận chuyển đến thị trấn Tachileik ở bên kia biên giới. Sau đó cảnh sát đã bắt giữ hai đối tượng đang phục vụ trong quân đội Thái Lan vì có liên quan đến số vũ khí trên. Theo thông tin tờ Bangkok Post thu được, có khả năng những đối tượng đứng đằng sau chỉ đạo đường dây buôn lậu đã bị cục điều tra nội vụ của quân đội Thái Lan tạm giữ.
Bộ trưởng Bộ nội vụ Thái Lan Anupong Paochinda gần đây đã có động thái gây bất ngờ khi đứng lên kêu gọi chính phủ mở cuộc điều tra Bộ Quốc phòng nước này. Trong thời gian ông Anupong còn làm Tổng chỉ huy quân đội Thái Lan, vị tướng cũng đã mở nhiều cuộc điều tra về việc vũ khí quân đội bị tuồn ra chợ đen. Sự thất bại của những cuộc điều tra này đã khiến ông Anupong nhận không ít chỉ trích từ dư luận. Liệu chăng vị bộ trưởng nội vụ muốn “hồi sinh” lại tham vọng của mình? Nếu câu trả lời là “có” thì nhiều khả năng bộ máy quân đội Thái Lan sẽ còn trải qua biến động lớn trong tương lai gần.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/thai-lan-diem-nong-buon-lau-vu-khi-i648684/