Thái Lan, Indonesia bị AFC phạt, bóng đá Đông Nam Á chưa thể phát triển, do đâu?
Bóng đá Đông Nam Á có tiềm năng phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Tuy nhiên, nó bị kìm hãm bởi bạo lực và những vấn đề xã hội khác. Vì sao Chủ tịch FIFA, ông Gianni Infrantino lại nói như thế?
Trước khi kết luận, chúng ta cùng nhìn lại FIFA dưới nhiệm kỳ của ông Infrantino đã rất ưu ái và quan tâm rất nhiều không chỉ bằng hành động mà còn cả chiến lược lẫn tài chính cho bóng đá Đông Nam Á.
Nổi bật là ông Infrantino đã đến dự khán trận chung kết lượt về AFF Cup 2022 giữa hai đội tuyển Thái Lan và Việt Nam. Sau khi trao cúp vô địch cho đội chủ nhà Thái Lan, ông Infrantino nhận định, những giải đấu khu vực như thế này là động lực để các đội tuyển quốc gia phát triển, góp phần vào sự phát triển bóng đá chung của thế giới.
Trước đó, sau thảm họa Kanjuruhan khiến 135 người chết vào đêm 1.10.2022 tại Indonesia, không ít người lo ngại về khả năng tổ chức World Cup U.20 của Indonesia, đích thân ông Infrantino đã đến Indonesia tìm hướng giải quyết cũng như trấn an dư luận cùng các quốc gia có đội tuyển tham dự vòng chung kết World Cup U.20.
Đỉnh điểm về sự quan tâm bóng đá Đông Nam Á của ông Infrantino nói riêng và FIFA nói chung là đã gợi ý cũng như cho biết FIFA sẽ hỗ trợ đồng thời tư vấn cho các quốc gia Đông Nam Á có tiềm lực ở Đông Nam Á – trong đó có Việt Nam – đồng tổ chức và đăng ký giành quyền đăng cai World Cup 2043...
Thế nhưng, trước những vụ biểu tình tuần hành phản đối Israel tham gia World Cup U.20 tại Indonesia, cuối tháng 3.2023, FIFA buộc phải loại Indonesia khỏi tư cách chủ nhà World Cup U.20 trong bối cảnh bất ổn chính trị.
Đến ngày 16.5.2023, hình ảnh xấu xí từ trận chung kết SEA Games 32 giữa hai đội Indonesia và Thái Lan trên sân Olympic ở Campuchia như là giọt nước làm tràn ly về sức chịu đựng của FIFA đã dành cho bóng đá Đông Nam Á.
Đó là trận đấu mà trọng tài dùng đến số thẻ kỷ lục: 20. Trong đó, có đến 7 thẻ đỏ. Chưa hết, các trợ lý, quan chức, cầu thủ của hai đội đã lao vào nhau hỗn chiến như một cuộc xung đột ngoài đường phố. Hình ảnh phi thể thao này đã nhanh chóng được lan truyền khắp thế giới, và FIFA đã đề nghị LĐBĐ châu Á (AFC) cùng liên đoàn hai quốc gia Thái Lan, Indonesia phải nhanh chóng điều tra, xử lý thật nặng những ai tham gia vào cuộc ẩu đả.
Chỉ một ngày sau trận chung kết xấu hổ này, Thái Lan đã công khai xin lỗi và ngày 23.5, LĐBĐ Thái Lan (FAT) ra án phạt nội bộ: HLV thủ môn Prasadchok Chokmoh, trợ lý HLV Phatrawut Wongsripuek và quan chức đi cùng đội Mayid Madada bị cấm làm việc ở các đội tuyển quốc gia một năm. Hai cầu thủ tham gia đánh nhau gồm thủ môn Sohonwit và cầu thủ dự bị Teerapak, bị cấm khoác áo các đội tuyển trong sáu tháng. FAT nhẹ tay hơn với hai cầu thủ này với lý do cả hai còn trẻ và đã đưa ra lời xin lỗi sau vụ bạo loạn.
Cũng từ trận đấu đáng quên này, ông Yuttana Yimkarun, Phó Chủ tịch FAT kiêm trưởng đoàn U22 Thái Lan tại SEA Games 32 tự nhận trách nhiệm và viết đơn từ chức.
Và mới đây, AFC đã chính thức ra án phạt gồm 3 cầu thủ, 4 quan chức và thành viên ban huấn luyện của U22 Indonesia; 4 cầu thủ, 3 quan chức và thành viên ban huấn luyện của U22 Thái Lan. Án phạt được công bố như sau: mỗi người sẽ bị cấm hoạt động bóng đá 6 trận. Trong 14 người chịu án phạt, có 8 người phạt nộp phạt 1.000 USD; FAT bị phạt 10.000 USD. Trong khi đó, LĐBĐ Indonesia không bị phạt tiền.
AFC nhấn mạnh sẽ phạt Thái Lan và Indonesia nặng hơn nếu để sự việc tương tự tái diễn.
***
Dưới góc nhìn của FIFA, vết nhơ từ trận chung kết SEA Games 32, trận chung kết môn bóng đá của Olympic Đông Nam Á không dừng ở lỗi cầu thủ mà còn là ở cấp quản lý. Bởi lý ra các quan chức, lãnh đạo hai đội phải can thiệp, ngăn chặn thì ngược lại họ còn cùng cầu thủ tham gia cuộc hỗn chiến.
Không ai có thể phủ nhận lòng đam mê, sự cuồng nhiệt bóng đá ở Đông Nam Á. Thế nhưng trình độ, thành tích của khu vực này không tương xứng với tiềm năng vì bệnh thành tích, năng lực điều hành kém của lãnh đạo cùng những bất ổn chính trị, kinh tế... đã kìm hãm sự phát triển của bóng đá Đông Nam Á.