Thái Lan khiến thị trường xe điện Đông Nam Á trở nên sôi động

Để theo kịp mục tiêu giảm khí thải carbon, cân nhắc về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Thái Lan đã tích cực thúc đẩy chuyển đổi xanh trong một số lĩnh vực đặc thù.

Thái Lan khiến thị trường xe điện Đông Nam Á trở nên sôi động. Ảnh minh họa: Huy Tiến - P/v TTXVN tại Thái Lan

Thái Lan khiến thị trường xe điện Đông Nam Á trở nên sôi động. Ảnh minh họa: Huy Tiến - P/v TTXVN tại Thái Lan

Theo báo Liên hợp buổi sáng, để theo kịp mục tiêu giảm khí thải carbon đang trở thành xu thế phổ biến của thế giới, hưởng ứng cam kết bền vững phát thải bằng 0 của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời xuất phát từ cân nhắc về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Thái Lan đã tích cực thúc đẩy chuyển đổi xanh trong một số lĩnh vực đặc thù.

Tiềm năng của Thái Lan

Trong đó, tiềm năng của thị trường xe điện lớn, hơn nữa ngành công nghiệp xe điện ở hầu hết các nước công nghiệp hóa đều được coi là lĩnh vực hỗ trợ trọng điểm của đất nước do chuỗi sản xuất bao trùm trên diện rộng. Thái Lan luôn được mệnh danh là “Detroit của phương Đông”, lại là căn cứ sản xuất ô tô chủ yếu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nên việc muốn chiếm lĩnh thị trường xe điện là điều hiển nhiên. Xe điện được coi là phương thức sinh hoạt ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của con người sau điện thoại thông minh.

Theo cựu Chủ tịch Phòng thương mại nước ngoài hỗn hợp của Thái Lan (JFCCT) - cựu cố vấn Phòng thương mại Thái Lan Stanley Kang, từ trước đến nay Thái Lan luôn là trung tâm sản xuất ô tô của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Từ linh kiện đến lắp ráp thân xe, chuỗi cung ứng sơ cấp và thứ cấp đều rất hoàn chỉnh, công nghệ cũng tương đối phát triển. Nếu muốn chuyển đổi để phù hợp với nhu cầu của thị trường xe điện, việc giới thiệu công nghệ, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng cơ sở hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Chịu ảnh hưởng từ cam kết trung hòa carbon của Chính phủ Thái Lan tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), năm 2021, ông Stanley Kang đã tích hợp nhà cung cấp hệ thống cọc sạc Noodoe của Đài Loan (Trung Quốc) để tạo ra thương hiệu riêng ESPRO của Thái Lan, tập trung vào thị trường trạm sạc xe điện Đông Nam Á. Bên cạnh xây dựng phần cứng, Thái Lan còn lạc quan hơn về cơ hội kinh doanh, nhắm vào mô hình kinh doanh đa dạng như dịch vụ phần mềm cọc sạc, hệ thống quản lý phương tiện bằng Internet…

Bên cạnh đó, kể từ năm 2020, Ủy ban Đầu tư Thái Lan cũng tiếp tục thúc đẩy khuyến khích đầu tư đối với các linh kiện chủ chốt của xe điện, ngoài hơn 1.000 trạm sạc điện hiện có, từng bước mở rộng để đạt được mục tiêu 12.000 trạm sạc điện trong vài năm tới.

Động thái chính sách này đã thu hút các tập đoàn lớn của Thái Lan như EA, PTT… vào cuộc. Tại các trung tâm thương mại, khu dân cư lớn mới xây dựng và trạm đổ xăng… đều có thể nhìn thấy các cọc sạc với nhiều thương hiệu khác nhau, cung cấp dịch vụ cần thiết cho việc sạc pin xe điện ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo cách đây không lâu, tại khu đô thị nhộn nhịp Bangkok đã bắt đầu phát hiện xe Tuk Tuk chạy bằng điện, băng qua các con ngõ và dòng ô tô phức tạp. Tuy nhiên, xét về giá cả hiện hành, những người mưu sinh bằng xe Tuk Tuk ít có khả năng chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện, nhưng điều này cũng đã phát đi tín hiệu rằng Thái Lan thực sự muốn bắt đầu bước vào kỷ nguyên xe điện, từ thị trường xe tự hành bình dân đến cao cấp.

Chính sách “3030” được chính phủ ban hành cũng hỗ trợ điều này. Trước năm 2030, ít nhất 30% ô tô xuất xưởng phải là xe điện (khoảng 750.000 xe); bắt đầu từ năm 2035, Thái Lan sẽ bán xe điện trên cả nước, không tiếp tục bán xe vận hành bằng xăng và dầu diesel.

Năm 2022, thương hiệu xe điện nổi tiếng của Mỹ là Tesla đã chính thức tiến vào thị trường Thái Lan, trong ngày ra mắt 7/12/2022, chỉ riêng số lượng đặt mua trực tuyến dòng Model 3 và Model Y đã hơn 4.000 chiếc. Theo mặt bằng giá cả tại Thái Lan, giá của hai dòng xe điện này không hề rẻ, Tesla Model 3 có giá 1,99 triệu baht (58.000 USD), trong khi Tesla Model Y có giá 2,3 triệu baht, tương đương gấp 7 lần thu nhập trung bình hàng năm của người Thái (khoảng 300.000 baht).

Tuy nhiên, đối với một bộ phận lớn người Thái Lan, tỷ suất cho vay mua xe có thể đẩy lên cao, trong trường hợp đáp ứng điều kiện nhất định, thậm chí có thể vay ngân hàng 100%. Đây cũng là lý do tại sao nhiều người Thái Lan muốn mua một chiếc ô tô tốt như món quà đầu tiên họ tặng cho mình.

Đương nhiên, bên cạnh thị trường xe điện cao cấp, xe điện do Trung Quốc sản xuất có giá cả tương đối hợp lý cũng thu hút nhiều sự chú ý của tầng lớp trung lưu. Mặc dù Thái Lan vẫn là đại bản doanh của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các doanh nghiệp liên quan đến ô tô, nhưng do ảnh hưởng của chính sách ưu đãi nên các thương hiệu Trung Quốc như BYD, Great Wall Motor… đều nhắm đến Thái Lan để mở rộng thị trường. Điển hình là Great Wall Moto, tính đến cuối năm 2022 đã có hơn 60 cửa hàng trực tiếp và liên kết ở Thái Lan.

Thương hiệu Trung Quốc tấn công thị trường bằng giá thấp

Mặt khác, lợi thế về giá cũng giúp các thương hiệu Trung Quốc tiến quân vào Thái Lan. Cùng là xe điện, Tesla có giá 2 triệu baht, Toyota bZ4X sản xuất hàng loạt đầu tiên ra mắt vào năm 2022 vẫn có giá lên đến 1,83 triệu baht sau khi được chính phủ trợ cấp, trong khi Volt City EV của Trung Quốc với bản đơn giản chỉ có giá bán 325.000 baht, có thể nói là thấp nhất thị trường hiện nay. Chỉ có điều người dân Thái Lan có đồng ý mua hay không, hay vẫn e ngại về chất lượng, thích chọn các dòng xe của Mỹ và Nhật Bản đắt tiền hơn thì vẫn phải chờ xem thế nào.

Không chỉ là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất xe, mà nhiều nhà sản xuất lớn cũng đã đổ xô vào cuộc đua xe điện trong những năm gần đây, nhắm vào chuỗi cung ứng sơ cấp và thứ cấp của xe điện, cũng như các linh kiện và dịch vụ lắp ráp liên quan, thậm chí cả các cơ hội kinh doanh xung quanh…

Ví dụ, tập đoàn Foxconn của Đài Loan đã cùng Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) thành lập công ty liên doanh Horizon Plus, lên kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD, giới thiệu nền tảng phát triển mô-đun của Foxconn, cũng như các dịch vụ phần mềm và phần cứng khác nhằm cung cấp các giải pháp toàn diện cho sản xuất ô tô trong vài năm tới.

Ngoài ra, công ty khởi nghiệp MuvMi của Thái Lan đã phối hợp với công ty Chao Phraya Express hoạt động trên lĩnh vực giao thông đường bộ và đường thủy, dự định nghiên cứu phát triển phương án giao thông đô thị chủ yếu dựa trên điện năng để thay thế Tuk Tuk mặc dù độc đáo nhưng ô nhiễm cao và thuyền chở khách sử dụng động cơ diesel.

Cùng với cuộc bầu cử vào tháng 5/2023 đang đến gần, cộng thêm cam kết phát triển bền vững và năng lượng xanh, các chính sách liên quan đến xe điện quả thực là đề tài thích hợp nhất có thể thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, xem xét kỹ chính kiến của những ứng cử viên từ các đảng phái khác nhau, phần lớn vẫn tập trung vào vấn đề dân sinh và chính phủ liêm khiết, hoặc tập trung vào hào quang ứng cử viên thủ tướng của đảng, ít đề cập đến phương hướng xe điện và năng lượng xanh của đất nước./.

Thạch Bình (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thai-lan-khien-thi-truong-xe-dien-dong-nam-a-tro-nen-soi-dong/286488.html