Thái Lan lo ngại bạo lực bùng phát ở Myanmar

Bộ Ngoại giao Thái Lan lo ngại về bạo lực ở nhiều vùng của Myanmar và mong muốn chính quyền quân sự nước này sớm hiện thực hóa các bước để giúp chấm dứt tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2.

Những người biểu tình ở Myanmar. Ảnh: GI

Bài liên quan

Lãnh đạo quân đội Myanmar gặp đại diện ASEAN, thắp lên hy vọng mong manh

Bạo lực, đói kém khắc sâu cuộc khủng hoảng người tị nạn Myanmar

Chính phủ đối lập Myanmar ra mắt Lực lượng phòng vệ

Phóng hỏa đốt phá nhà máy Trung Quốc, 28 người Myanmar bị kết án tù

Chính quyền Myanmar gần như không để tâm tới 5 điểm được nhất trí giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 4, bao gồm: yêu cầu chấm dứt bạo lực, thúc đẩy các cuộc đàm phán chính trị và chỉ định một đặc phái viên khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao các diễn biến ở Myanmar với nhiều lo ngại, đặc biệt là với các vụ bạo lực xảy ra ở nhiều nơi trên đất nước”.

Ông nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt bạo lực, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ và thực hiện cụ thể Thỏa thuận Năm điểm càng sớm càng tốt.

Chính quyền quân sự đã thất bại trong việc áp đặt quyền kiểm soát kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2, bắt giữ hơn 4.500 người, bao gồm cả nhà cầm quyền dân chủ Aug San Suu Kyi. Một nhóm nhân quyền cho biết ít nhất 847 người đã thiệt mạng.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối quân đội ở nhiều nơi tại Myanmar đã phát triển thành các cuộc nổi dậy vũ trang, kèm theo đó là sự bùng phát của các cuộc chiến sắc tộc vốn đã kéo dài nhiều thập kỷ tại nước này.

Những người phản đối chính quyền đã bày tỏ sự thất vọng trước hành động thiếu cứng rắn của ASEAN và nói rằng cuộc gặp giữa hai đại diện của nhóm đối lập với thủ lĩnh quân đội Min Aung Hlaing vào thứ Sáu đã không mang lại hiệu quả gì.

Thái Lan có đường biên giới với Myanmar dài hơn bất kỳ quốc gia nào khác và lo ngại xung đột có thể kéo theo một dòng người tị nạn khổng lồ. Chính phủ Thái Lan hiện cũng do một tướng quân đội nắm quyền sau một cuộc đảo chính.

"Phần lớn những gì Thái Lan đã làm có thể không được công khai vì chúng tôi tin rằng ngoại giao im lặng và kín đáo giữa các nước láng giềng sẽ hiệu quả hơn và phù hợp với truyền thống ngoại giao của Thái Lan", ông Tanee nói.

Trung Kiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thai-lan-lo-ngai-bao-luc-bung-phat-o-myanmar-post137656.html