Thái Lan nỗ lực giải quyết 'bom hẹn giờ' về nhân khẩu học

Thái Lan là một trong những quốc gia đang phát triển có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dân số của nước này có thể giảm một nửa trước khi bước sang thế kỷ 22. Tình trạng già hóa dân số đang tạo ra những tác động nghiêm trọng đối với thị trường lao động và sự phát triển kinh tế chung của Thái Lan.

Đã 4 năm trôi qua kể từ khi Sira Kitpinyochai và Boontarika Namsena kết hôn. Họ hạnh phúc khi nuôi 11 chú mèo và không có ý định sinh con. Theo họ, "con cái giống như gánh nặng vì kéo theo các khoản chi phí liên quan". Và quan trọng là họ không có thời gian cho con cái. "Hầu như toàn 10-12 giờ đồng hồ/ngày ở văn phòng, làm sao chúng tôi có thể tìm được thời gian để chăm sóc con cái?", Boontarika than thở. Hiện Boontarika là Trưởng bộ phận mua sắm đấu thầu dự án tại Công ty Alstom, còn chồng cô là nhà giao dịch cổ phiếu.

Theo Channel NewsAsia, những trường hợp như gia đình Boontarika không hiếm ở Thái Lan. Một cuộc khảo sát do Viện Quản lý phát triển quốc gia Thái Lan thực hiện hồi tháng 9 năm ngoái cho thấy, có tới 44% số người được hỏi bày tỏ không muốn có con. Những lý do hàng đầu được nêu ra là chi phí nuôi con, lo ngại về tác động của các điều kiện xã hội đối với trẻ em và không muốn có gánh nặng chăm sóc con cái. Xu hướng này tương đồng với tổng tỷ suất sinh của Thái Lan năm 2023, ở dưới mức 1,08 con/phụ nữ, thấp thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Tổng tỷ suất sinh của Thái Lan năm 2023 thấp thứ hai ở Đông Nam Á (ảnh minh họa). Ảnh: channelnewsasia.com

Tổng tỷ suất sinh của Thái Lan năm 2023 thấp thứ hai ở Đông Nam Á (ảnh minh họa). Ảnh: channelnewsasia.com

Bộ trưởng Y tế công cộng Somsak Thepsutin cảnh báo, nếu tình trạng này tiếp diễn, dân số Thái Lan sẽ giảm một nửa trong 6 thập kỷ tới. Trong bối cảnh già hóa dân số trở thành xu hướng mang tính toàn cầu, quốc gia này sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (K-Research) dự báo, đến năm 2029, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia đang phát triển đầu tiên ở châu Á gia nhập danh sách các xã hội “siêu già hóa” với hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Thái Lan hiện có 13,6 triệu dân trên 60 tuổi, chiếm gần 20% dân số. Nhưng quy mô kinh tế của Thái Lan chưa thể bắt kịp các nước cũng phải đối mặt với già hóa dân số như Nhật Bản, Đức. "Chúng ta sẽ già trước khi giàu. Chúng ta chưa sẵn sàng", Burin Adulwattana, Giám đốc điều hành kiêm Nhà kinh tế trưởng của K-Research bình luận.

K-Research cho rằng, già hóa dân số sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt lao động và tác động đến các ngành thâm dụng lao động, đặc biệt là nông nghiệp, dịch vụ ở Thái Lan. Sự thay đổi nhân khẩu học sang xã hội siêu già có thể khiến các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều hơn vào lao động nước ngoài có kỹ năng thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức cạnh tranh cũng như sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan.

Ngoài ra, số lượng người cao tuổi gia tăng sẽ gây sức ép lên quỹ lương hưu và trợ cấp cho người già của chính phủ, đồng thời ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Dân số già ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc số lượng người cao tuổi không có người chăm sóc chu đáo cũng tăng lên. Trong vài thập kỷ tới, cơ hội để người già Thái Lan nương tựa vào con cháu sẽ giảm đi do tỷ lệ sinh giảm.

Để giải quyết quả “bom hẹn giờ” về nhân khẩu học, Chính phủ Thái Lan đã vạch ra 3 chiến lược chính, bao gồm tạo điều kiện tốt hơn để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con và nuôi con, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề nuôi dạy con cái, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đa dạng cho phụ nữ. Theo Channel NewsAsia, Chính phủ Thái Lan có kế hoạch mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ hỗ trợ sinh sản cho những người trẻ độc thân mong muốn có con. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan còn nghiên cứu điều chỉnh chính sách và triển khai nhiều biện pháp để thích nghi với tình hình như nghiên cứu sửa đổi luật lương hưu, nâng mức trợ cấp cho người già...

Trong bối cảnh xu hướng già hóa không thể đảo ngược, các doanh nghiệp Thái Lan đang tìm cách thích ứng, đón nhận những chuyển biến mới, trong đó người cao tuổi được coi là động lực thay vì gánh nặng. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ y tế, đã bắt đầu điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình để phục vụ tốt hơn cho khách hàng cao tuổi. Ngoài thực phẩm chức năng và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, vật dụng thời trang cho người tiêu dùng cao tuổi cũng đang trở nên phổ biến hơn.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/thai-lan-no-luc-giai-quyet-bom-hen-gio-ve-nhan-khau-hoc-5016842.html