Thái Lan nỗ lực khôi phục lòng tin quốc tế sau ảnh hưởng động đất

Dù Thủ đô Bangkok nằm cách tâm chấn động đất tại Myanmar tới 1.000 km và thiệt hại không quá lớn, song Thái Lan cũng chịu những dư chấn đáng kể làm người dân hoảng sợ, làm ảnh hưởng tới các tòa nhà cao tầng khiến nước này phải tăng cường các biện pháp nhằm khôi phục lòng tin quốc tế.

Tòa nhà SAO là cao ốc duy nhất tại Thủ đô Bangkok đổ sập do ảnh hưởng bởi động đất tại Myanmar hôm 28-3

Tòa nhà SAO là cao ốc duy nhất tại Thủ đô Bangkok đổ sập do ảnh hưởng bởi động đất tại Myanmar hôm 28-3

Từ hồi chuông cảnh tỉnh sập tòa nhà 30 tầng

Theo thông tin mới nhất, số nạn nhân tử vong tại Thái Lan do ảnh hưởng bởi trận động đất xảy ra ở Myanmar ngày 28-3 vừa qua đã lên tới 19 người khi lực lượng cứu nạn, cứu hộ tìm thấy thêm một thi thể. Nhóm cứu hộ tình nguyện mang tên “Fire and Rescue Thailand” thông báo, đã đưa được thêm một thi thể ra khỏi hiện trường tòa nhà cao 30 tầng bị sập ở Thủ đô Bangkok do trận động đất lớn 7,7 độ richter tại quốc gia láng giềng Myanmar.

Trước đó, thảm họa động đất tại Myanmar đã gây ra dư chấn mạnh tại Thái Lan, trong đó có Thủ đô Bangkok của Thái Lan, cách tâm chấn ở Myanmar khoảng 1.000km về phía Nam, khiến một tòa nhà cao 30 tầng đang thi công bị sập hoàn toàn. Theo báo cáo mới nhất của giới chức Thái Lan, phần lớn người tử vong do động đất là nạn nhân trong vụ sập tòa nhà cao tầng này. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm hơn 100 người được cho có thể bị chôn vùi trong đống nổ nát của tòa nhà sập.

Ngoài thiệt hại trên, trận động đất đã làm rung lắc, ảnh hưởng tới các tòa nhà cao tầng ở Thái Lan, nhất là tại Thủ đô Bangkok - nơi tập trung nhiều tòa nhà chọc trời, ảnh hưởng tới tâm lý người dân, trong đó có du khách quốc tế. Đặc biệt, vụ sập tòa nhà 30 tầng đang xây dựng đã tác động lớn tới tâm lý người dân, họ lo lắng về sự an toàn của các tòa cao ốc. Mặc dù, thảm họa động đất có tâm chấn nằm ở Myanmar, chỉ gây ra thiệt hại không phải quá lớn tại nước láng giềng Thái Lan, song sức mạnh khủng khiếp lên tới 7,7 độ richter của nó đã khiến người dân Thủ đô Bangkok hoảng loạn tháo chạy. Chính phủ Thái Lan và các kỹ sư ngay sau trận động đất đã tiến hành kiểm tra hàng trăm công trình bị hư hại để đảm bảo an toàn, nhưng nỗi lo lắng về việc sống và làm việc trên những tầng cao chót vót vẫn còn ám ảnh nhiều người.

Số lượng các cao ốc gia tăng là minh chứng cho sự tăng trưởng kinh tế đang diễn ra ở nhiều thành phố, đô thị của Thái Lan, nhất là Thủ đô Bangkok. Tuy nhiên, một trận động đất lớn, dẫn đến sự sụp đổ của một tòa nhà 30 tầng đang xây đã làm dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn của các công trình xây dựng. Trong khi đó, Thủ đô Bangkok của Thái Lan nằm gần đường đứt gãy Sagaing, nơi mảng kiến tạo Ấn Độ va chạm với mảng Á - Âu. Đường đứt gãy này có chiều dài hơn 1.200 km, cắt dọc từ bắc xuống nam của Myanmar. Trận động đất ngày 28-3 là hệ quả của việc mảng Ấn Độ trượt lên phía Bắc, còn mảng Á - Âu trượt xuống phía Nam, giống như nhát dao “cứa sâu vào Trái đất”, giải phóng nguồn năng lượng khổng lồ bằng hàng trăm quả bom nguyên tử.

Nền đất của Bangkok lại khá mềm khiến sóng địa chấn chậm lại khi lan truyền đến đây và tích lũy năng lượng, trở nên lớn hơn về cường độ. Khi đó, nền đất của thành phố sẽ rung lắc dữ dội hơn, ảnh hưởng nhiều hơn đến các công trình. Thái Lan từng nâng cấp quy chuẩn chống động đất trong lĩnh vực xây dựng vào năm 2007. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư Kết cấu Thái Lan - Giáo sư Amorn Pimarnmas, chưa đầy 10% tòa nhà ở nước này đạt khả năng chống động đất mạnh. Do đó, giới chuyên môn thời gian qua cũng đã lên tiếng kêu gọi chính quyền tăng cường giám sát chất lượng và nâng cấp các tiêu chuẩn an toàn. Trong bối cảnh đó, vụ sập tòa nhà hơn 30 tầng được xem là tiếng chuông cảnh tỉnh về đảm bảo an toàn các công trình xây dựng, đặc biệt là các cao ốc, trong trường hợp xảy ra động đất.

Tình hình đã gần như ổn định hoàn toàn

Làm rõ nguyên nhân vụ sập tòa cao ốc 30 tầng mang tên công trình SAO khi đang xây dựng được xem là một biện pháp cấp bách và quan trọng để giới chức Thái Lan lấy lại lòng tin của người dân với các công trình xây dựng, lòng tin quốc tế khi tới đất nước này. Nhà chức trách Thái Lan đã mở cuộc điều tra để xác định nguyên nhân khiến công trình xây dựng 30 tầng đang thi công bị đổ sập do ảnh hưởng của trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra tại Myanmar. Đây cũng là tòa nhà duy nhất tại Bangkok bị sập do ảnh hưởng của rung chấn.

Dự án cao ốc Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (SAO) do một liên doanh gồm các công ty Thái Lan và Trung Quốc - bao gồm Italian-Thai Development Plc và một công ty con của China Railway No.10 Engineering Group, là đơn vị đang xây dựng tòa nhà - tiến hành thực hiện. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anutin Charnvirakul khẳng định, những đơn vị này phải chịu trách nhiệm về vụ sụp đổ của công trình này cùng hậu quả đi kèm.

Ông Anutin Charnvirakul cho biết, cuộc điều tra đang được tiến hành để trước tiên xác định xem thiết kế công trình có đáp ứng các tiêu chuẩn hay không, sau đó mới tập trung vào các quy trình khác có liên quan. Một nhóm điều tra từ Bộ Công nghiệp Thái Lan đã thu thập các mẫu vật liệu xây dựng từ địa điểm tòa nhà SAO bị sập. Ông Pongpol Yodmuangcharoen, thư ký của Bộ trưởng Công nghiệp Akanat Promphan cho biết, nhóm điều tra đang tập trung vào chất lượng của các thanh thép được sử dụng để gia cố các cột bê tông, dầm và kết cấu móng nói riêng, vì các thanh thép không đạt tiêu chuẩn có thể dẫn đến vụ sập.

Thông tin kết quả điều tra ban đầu cho biết, các nhà điều tra đã lấy 3 mẫu thép do 3 công ty cung cấp cho việc xây dựng tòa nhà SAO. Cũng theo kết quả điều tra dơ bộ do Trợ lý của Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan thông tin, có 1 trong 3 mẫu thép từ một nhà máy của Trung Quốc đặt tại tỉnh Rayong thuộc miền Đông Thái Lan không đạt tiêu chuẩn. Trợ lý Bộ trưởng Công nghiệp cho biết thêm, không phát hiện vấn đề gì với các mẫu thép từ 2 công ty còn lại.

Từ kết quả điều tra sơ bộ, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết, vụ sập tòa nhà SAO là do lỗi kỹ thuật ảnh hưởng đến công trình. Trong lời khẳng định đưa ra tại lễ khai trương Trung tâm Dịch vụ đầu tư và người nước ngoài Thái Lan (TIESC) ngày 31-3 với sự tham dự của nhiều người nước ngoài, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nhấn mạnh rằng, không có tòa nhà nào khác ở Thủ đô Bangkok có nguy cơ bị sập vì chúng tuân thủ các tiêu chuẩn chống động đất. Nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Thái Lan trong việc khôi phục hình ảnh và đảm bảo lòng tin của công chúng và quốc tế, bà Paetongtarn cho biết một cuộc điều tra kỹ lưỡng về việc phê duyệt, thiết kế và vật liệu xây dựng của dự án đang được tiến hành. Trong khi đó, Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt cho biết, tình hình tại Thủ đô đã gần như ổn định hoàn toàn. Giao thông bình thường đã trở lại trên khắp thủ đô, bao gồm các tuyến đường cao tốc chính và tuyến tàu điện ngầm.

Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết, nước này vẫn sẽ tổ chức Lễ hội Songkran - Tết cổ truyền của người Thái và là dịp lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất của người dân Thái Lan - vẫn diễn ra theo đúng lịch trình vào tháng 4 do trận động đất mạnh tại Myanmar và các dư chấn sau đó không gây quá nhiều thiệt hại cho Thái Lan. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan ngày 31-3 cho biết, vẫn duy trì dự báo đón 38 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Bộ trưởng Sorawong Thienthong cho biết, tác động của thảm họa động đất này chỉ mang tính ngắn hạn và không gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các tỉnh, thành phố của Thái Lan.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thai-lan-no-luc-khoi-phuc-long-tin-quoc-te-sau-anh-huong-dong-dat-post607732.antd