Thái Lan sẵn sàng cho Năm APEC 2022 - Rộng mở, Kết nối, Cân bằng

Thái Lan sẽ chính thức tiếp nhận cương vị Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2022 tại lễ chuyển giao từ New Zealand vào ngày 12/11 tới.

Khung cảnh một buổi tiệc tối chiêu đãi các nhà Lãnh đạo APEC tháng 10/2003 tại Thái Lan. (Nguồn: Bangkok Post)

Khung cảnh một buổi tiệc tối chiêu đãi các nhà Lãnh đạo APEC tháng 10/2003 tại Thái Lan. (Nguồn: Bangkok Post)

3 nguyên tắc ưu tiên

Tuần trước, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã có cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern để trao đổi về việc chuyển giao cương vị Chủ tịch APEC.

Sau khi chúc mừng New Zealand tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC trong tuần này, Thủ tướng Prayut đã khẳng định Thái Lan sẵn sàng nhận chuyển giao cương vị Chủ tịch APEC và thông báo Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 sẽ được tổ chức ở Thái Lan vào tháng 11/2022.

Với chủ đề "Rộng mở, Kết nối, Cân bằng" (Open, Connect, Balance), Thái Lan muốn sử dụng cơ hội năm APEC 2022 để tạo ra "một chương mới" trong phát triển kinh tế của nước này trong thế giới hậu Covid-19 một cách bền vững.

Để vạch ra con đường tiếp nối những thành công của New Zealand trong 365 ngày tiếp theo, Thái Lan đã mất gần 18 tháng tham vấn và thảo luận với các quan chức từ nhiều bộ và khu vực tư nhân.

Nguyên tắc đầu tiên “Rộng mở” mà Thái Lan định hướng cho năm APEC 2022 có nghĩa là cởi mởtrước mọi cơ hội. Như vậy, các nền kinh tế thành viên APEC nên cởi mở với các hiệp định thương mại tự do, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm.

Nguyên tắc thứ hai là "Kết nối", theo đó, nước Chủ tịch ASEAN 2022 coi sự kết nối của cả ba yếu tố bao gồm thời gian, không gian và con người như một phương tiện để thúc đẩy phục hồi kinh tế cho khu vực cũng như phần còn lại của thế giới theo những cách thức bền vững.

Nguyên tắc thứ ba là "Cân bằng", Thái Lan tìm cách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cân bằng theo hướng bao trùm.

Dưới sự chủ trì của Thái Lan trong Năm APEC 2022, các nỗ lực sẽ được tập trung vào việc thúc đẩy phát triển bền vững, cân bằng và bao trùm trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Những ưu tiên khác sẽ bao gồm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư nhằm giúp đạt được sự thịnh vượng lâu dài trong khu vực. Đồng thời, các nỗ lực kết nối để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid-19 cũng sẽ được tiếp tục.

Thái Lan luôn thể hiện tốt mỗi khi có cơ hội chủ trì các hội nghị tầm cỡ quốc tế hay các sự kiện có quy mô tương tự, có thể kể đến như hội nghị Á-Âu lần đầu tiên vào năm 1995, Năm APEC 2003.

Tuần trước, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã có cuộc hội đàm và chụp ảnh cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh). Nhân dịp này, thủ tướng Thái Lan cũng mời cá nhân tổng thống Mỹ đến Bangkok tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo APEC vào cuối tháng 11/2022.

Lẽ ra, ông Prayut cũng có thể trực tiếp gửi lời mời đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, song đáng tiếc là hai nhà lãnh đạo này chỉ tham dự COP26 qua hình thức trực tuyến.

Nếu các chuyến thăm cấp cao của 3 nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Nga tới Thái Lan được hiện thực hóa, đây sẽ là một dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Thủ tướng Chan-o-cha.

Gắn liền với phát triển kinh tế xanh

Ba nguyên tắc "Rộng mở, Kết nối, Cân bằng” nêu trên cũng liên quan đến mô hình kinh tế mới Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG) mà chính phủ Thái Lan liên tục quảng bá trong thời gian qua, đặc biệt là tại các Hội nghị Cấp cao của ASEAN lần thứ 38 và 39 diễn ra theo hình thức trực tuyến vào cuối tháng trước.

Mô hình BCG tích hợp kinh tế sinh học, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. Theo trang chủ của BCG, mô hình kinh tế mới này có cách tiếp cận gồm 4 khía cạnh:

Thứ nhất là nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp và thực phẩm bằng cách ứng dụng công nghệ sinh học nhằm đưa ra các giải pháp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Thứ hai là xây dựng nguồn vốn công nghệ và con người trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) y tế và dược phẩm.

Thứ ba là nâng cấp và cải thiện năng lực cạnh tranh bền vững của các ngành công nghiệp BCG của Thái Lan, thông qua kiến thức, công nghệ và sự sáng tạo tập trung vào sản xuất xanh.

Thứ tư tập trung vào việc củng cố khả năng phục hồi trước những biến động toàn cầu.

Kể từ nay, ít nhất trên lý thuyết, nền kinh tế Thái Lan sẽ trở nên năng động và toàn diện hơn. Mục tiêu cao nhất sẽ là thay đổi cách sống của con người để hướng tới sự cân bằng, bền vững và thân thiện với môi trường.

(theo Bangkok Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thai-lan-san-sang-cho-nam-apec-2022-rong-mo-ket-noi-can-bang-164361.html