Thái Lan sản xuất các bộ kit xét nghiệm Covid-19, Australia cảnh báo người dân không tự xét nghiệm virus tại nhà
Thái Lan đã tự sản xuất được các bộ kit xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Real-time PCR theo tiêu chuẩn phòng thí nghiệm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận. Trong khi đó, Australia cảnh báo người dân nước này không sử dụng tại nhà bộ dụng cụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhập khẩu.
Thái Lan sản xuất các bộ kit xét nghiệm Covid-19. (Nguồn: thestar.com)
Người phát ngôn Trung tâm quản lý tình huống Covid-19, bác sĩ Taweesin Visanuyothin, cho biết các bộ xét nghiệm trên được phát triển với sự hợp tác của công ty Siam Bioscience và Cục Y khoa (DMSC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan. Lô hàng đầu tiên gồm 20.000 bộ xét nghiệm đã được Bộ Cao học, Khoa học, Nghiên cứu và Sáng tạo (MHESRI) cùng Siam Bioscience và DMSC bàn giao cho Chính phủ Thái Lan.
Bác sĩ Taweesin nhấn mạnh sáng chế này có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt các bộ xét nghiệm bằng cách hạ giá thành xuống chỉ 1.500 baht (45 USD) mỗi bộ, trong khi giá thành nhập khẩu cao hơn gấp 3 lần, vào khoảng 4.500 baht mỗi bộ (135 USD). Siam Bioscience và DMSC đang đặt mục tiêu sản xuất và bàn giao 100.000 bộ xét nghiệm cho Chính phủ trong vòng 6 tháng để phân phối cho 100 bệnh viện trên toàn quốc.
Trong khi đó, Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Thái Lan (NSTDA) vừa cho ra mắt một robot diệt virus bằng tia cực tím (UV) mang tên “Robot diệt mầm bệnh” (Germ Saber Robot). Thiết bị này do Trung tâm Công nghệ Lưỡng dụng (NSD) của NSTDA cùng Viện Công nghệ Sinh học và Kỹ thuật Di truyền của Đại học Chulalongkorn phối hợp phát triển. Robot có thể phát ra tia tử ngoại (UVC) với bước sóng 250nm (nanometre), làm tăng tính hiệu quả trong việc khử trùng vì tia này có thể phá hủy DNA của virus, vi khuẩn, nấm mốc và những mầm bệnh khác
Giám đốc NSD Siwaruk Siwamongsatham cho biết robot này được điều khiển từ xa, có thể di chuyển theo mọi hướng và có thể tiêu diệt các mầm bệnh ở những nơi khó khử trùng bằng nước hoặc hóa chất như thiết bị điện tử và thiết bị y tế, đồng thời có thể tiết kiệm chi phí khử trùng và giảm việc sử dụng hóa chất. Công việc khử khuẩn có thể kéo dài từ 15-30 phút mỗi điểm với bán kính 1-2m. Tuy nhiên, người dân cần sơ tán khỏi những địa điểm sử dụng robot này nhằm đảm bảo không có ai bị tác động bởi tia UV tại thời điểm tiến robot tiến hành diệt khuẩn.
Ngoài robot nói trên, NSTDA cùng các đối tác cũng cho ra mắt một ứng dụng trên điện thoại di động có tên gọi DDC-Care để lần theo dấu vết những người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, cho phép họ tự đánh giá tình trạng sức khỏe của mình.
Thái Lan ngày 5/4 đã công bố thêm 102 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 2.169 và tổng số ca tử vong lên 23 người.
* Ngày 5/4, Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton cảnh báo người dân nước này không sử dụng tại nhà bộ dụng cụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhập khẩu. Trong một tuyên bố, ông Dutton thông báo hàng trăm bộ xét nghiệm này đã bị Lực lượng Biên phòng Australia thu giữ trong vài tuần qua, và nhấn mạnh việc sử dụng chúng có thể đưa ra các kết luận âm tính với SARS-CoV-2 không chính xác.
Ông Dutton cho biết thêm kết quả xét nghiệm không chính xác có thể sẽ khiến người dân không đi khám bệnh hoặc không tự cách ly, đồng thời khẳng định nhà chức trách Australia không chấp thuận những bộ xét nghiệm này là thiết bị y tế. Hiện các xét nghiệm Covid-19 duy nhất được công nhận ở Australia là các xét nghiệm thực hiện tại phòng thí nghiệm và xét nghiệm bởi các chuyên gia y tế tại các bệnh viện hoặc phòng khám.
Ông Dutton tuyên bố Lực lượng biên giới Australia (ABF) sẽ thu giữ bất kỳ sản phẩm sử dụng cho việc xét nghiệm và điều trị Covid-19 trái phép hoặc tự chế. Đến nay, ABF đã thu giữ gần 300 bộ dụng cụ xét nghiệm được gửi từ nước ngoài theo đường hàng không vào Australia.
Số liệu mới nhất cho thấy Australia hiện có 5.635 ca mắc Covid-19 với 34 ca tử vong. Tỷ lệ nhiễm mới hàng ngày đã giảm dần từ 30% trong vài tuần trước xuống dưới 10% trong những ngày gần đây.