Thái Lan thêm trên 6.000 ca mắc, 61 ca tử vong do COVID-19
Ngày 2/7, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 theo ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 6.087 ca mắc mới và 61 trường hợp không qua khỏi trong 24 giờ qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca tử vong vì COVID-19 ở Thái Lan tăng lên một mức cao mới, nâng tổng số người không qua khỏi lên 2.141 người trong tổng số 270.921 ca nhiễm kể từ đầu mùa dịch tới nay. Trong khi Chính phủ Thái Lan lạc quan về kế hoạch mở cửa trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket, các nhân viên y tế ở vùng Bangkok mở rộng đang phải vật lộn để đối phó với sự gia tăng các ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19.
Các bệnh viện đang trong tình trạng thiếu giường bệnh tại khu điều trị tích cực (ICU) và nhân viên để chăm sóc bệnh nhân nặng. Bộ Y tế Thái Lan đã phải huy động 144 bác sĩ mới tốt nghiệp từ một số tỉnh để giúp chăm sóc bệnh nhân trong bối cảnh thiếu nhân lực y tế ở Bangkok. Đây là lần đầu tiên bộ trên phải điều động bác sĩ mới ra trường cho một mục đích đặc biệt. Giới chức y tế Thái Lan cho rằng Bangkok và các tỉnh lân cận hiện đang rơi vào khủng hoảng thực sự và đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong tại nhà.
Trong khi đó, trợ lý phát ngôn viên của Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson cho biết làn sóng các công nhân ở những công trường xây dựng bị đóng cửa ở Bangkok về quê là nguyên nhân làm gia tăng các ca nhiễm mới ở 32 tỉnh. Theo bà Apisamai, thực tế này buộc chính quyền các địa phương phải ban hành lệnh yêu cầu người dân và các quan chức địa phương cảnh giác cao nhất. Người dân không bị cấm trở về nhà, nhưng mỗi người phải có trách nhiệm phòng, chống lây lan dịch bệnh.
* Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu mở rộng quy mô xét nghiệm COVID-19 lên 324.283 người mỗi ngày trong thời gian thực thi Lệnh Hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp từ ngày 3-20/7 tại Java và Bali.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, hướng dẫn thực thi PPKM khẩn cấp được ban hành ngày 1/7 của Chính phủ Indonesia cũng đặt ra các mục tiêu xét nghiệm COVID-19 hằng ngày cho tất cả 7 tỉnh thành liên quan tại hai hòn đảo đông dân nói trên. Cụ thể, mức xét nghiệm COVID-19 hằng ngày là 8.233 người đối với tỉnh Bali, 28.017 người đối với tỉnh Banten, 22.811 người đối với thủ đô Jakarta, 107.366 người đối với tỉnh Tây Java, 74.020 người đối với tỉnh Trung Java, 7.412 người đối với khu hành chính đặc biệt Yogyakarta, và 76.424 người đối với tỉnh Đông Java.
Cũng theo hướng dẫn trên, chương trình xét nghiệm sẽ được đẩy mạnh cho tới khi tỷ lệ dương tính giảm xuống dưới 10%. Các đối tượng ưu tiên bao gồm những người nghi nhiễm, những người có các triệu chứng và những người tiếp xúc gần với các F0 trong vòng 14 ngày. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành theo dõi và cách ly đối với 15 người tiếp xúc gần với mỗi trường hợp F0. Những người này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ngay sau khi phát hiện F0 và sẽ phải trải qua thời gian cách ly 5 ngày.
Ngoài ra, chỉ những bệnh nhân có triệu chứng từ mức trung bình đến cao và nguy kịch mới được nhập viện điều trị. Trong khi đó, các bệnh nhân còn lại sẽ được cách ly và giám sát nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Giới chức y tế Indonesia cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai hiện nay là do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao cũng như việc người dân đổ xô từ các thành phố về quê (còn gọi là Mudik) trong kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr cuối tháng 5 vừa qua.
Ngày 1/7, Indonesia ghi nhận 24.836 ca mắc mới và 504 ca tử vong, cao hơn mức đỉnh của một ngày trước đó lần lượt là 21.807 ca và 467 ca. Tính đến nay, quốc gia này vẫn dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với 2.203.108 ca bệnh, trong đó 58.995 ca tử vong.
Cùng ngày, Tổng thống Joko Widodo thông báo áp đặt PPKM khẩn cấp từ ngày 3-20/7 với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 122 huyện và thành phố thuộc Java – hòn đảo tập trung 60% trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia, cũng như tại Bali - hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng với hơn 4 triệu dân.