Thái Lan thông qua kế hoạch bầu cử Thượng viện lần đầu tiên sau đảo chính
Nội các Thái Lan thông qua kế hoạch bầu cử Thượng viện vào tháng 6 tới. Đây sẽ là cuộc bỏ phiếu đầu tiên bầu Thượng viện kể từ cuộc đảo chính quân sự một thập kỷ trước.
Nội các của Thủ tướng Srettha Thavisin đã phê duyệt kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử phức tạp, nhiều vòng với sự tham gia của các nhóm chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thượng viện Thái Lan đương nhiệm gồm 250 thành viên do chính quyền quân sự bổ nhiệm sau cuộc đảo chính năm 2014 và dự kiến kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 11.5 tới. Cơ quan này cho đến nay đóng vai trò quan trọng trong việc xác định kết quả của cuộc tổng tuyển cử và bầu cử thủ tướng.
Sau cuộc bầu cử năm ngoái, đảng Tiến bước (MFP) cấp tiến đã giành được hầu hết số ghế ở Hạ viện, nhưng lãnh đạo Pita Limjaroenrat của đảng này đã không thể trở thành thủ tướng vì ông không huy động được đủ sự ủng hộ ở Thượng viện. Chủ tịch đảng đảng Pheu Thai đứng thứ hai trong cuộc bầu cử, đã thành lập chính phủ liên minh với các đảng liên kết với quân đội.
Khác với cơ cấu hiện tại, Thượng viện khóa mới sẽ gồm 200 thượng nghị sỹ được bầu chọn giữa các ứng cử viên thuộc 20 nhóm nghề nghiệp khác nhau bao gồm tư pháp, giáo dục, y tế công cộng, công nghiệp, nghệ thuật và thể thao, người già và người dân tộc thiểu số. Chỉ những người đăng ký trở thành thượng nghị sĩ mới đủ điều kiện bỏ phiếu. Các ứng cử viên sẽ trải qua 3 vòng bỏ phiếu dự kiến vào ngày 9.6, ngày 16.6 và ngày 26.6 từ cấp quận huyện, đến cấp tỉnh và cấp quốc gia, để chọn ra 10 người đại diện cho mỗi nhóm trở thành thành viên Thượng viện.
Một điểm thay đổi lớn khác là các Thượng nghị sỹ trong nhiệm kỳ mới sẽ không có quyền bầu thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo diễn ra vào năm 2027. Điều này hoàn toàn khác với cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2023, khi 250 Thượng nghị sĩ tham gia bỏ phiếu bầu thủ tướng cùng với 500 Hạ nghị sỹ được bầu.
Mặc dù vậy, Thượng viện mới vẫn có quyền xem xét các dự luật và bổ nhiệm các thành viên của các tổ chức độc lập, nhưng Hạ viện sẽ có tiếng nói cuối cùng trong việc thông qua các văn bản pháp lý.
Bên cạnh kế hoạch tổ chức bầu cử Thượng viện, nội các Thái Lan cũng đồng ý tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để hỏi người dân Thái xem liệu họ có ủng hộ việc thay đổi hiến pháp do chính quyền cầm quyền khi đó soạn thảo vào năm 2017 hay không.