Thái-lan: Triển khai chương trình bảo đảm giá gạo
Theo Reuters và TTXVN, ngày 15-9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái-lan G.Lác-xa-na-vi-xít thông báo, Chính phủ nước này bắt đầu triển khai chương trình bảo đảm giá gạo từ tháng 10 tới và kết thúc vào tháng 10-2020, trong đó nông dân sẽ được trả tiền bù giá sau khi giá gạo xuống dưới mức tiêu chuẩn đã được xác định.
Ngoài ra, chương trình bảo đảm giá gạo sẽ được gia hạn hằng năm trong suốt nhiệm kỳ bốn năm của chính phủ đương nhiệm. Trước đó, Chính phủ Thái-lan đã thông qua gói ngân sách trị giá 2 tỷ USD cho chương trình bảo đảm giá, trợ giá gạo và dầu cọ. Hiện có khoảng 4,1 triệu nông dân Thái-lan đăng ký tham gia chương trình.
Venezuela: Thu thập 13 triệu chữ ký phản đối Mỹ
Chiến dịch thu thập chữ ký phản đối các biện pháp bao vây kinh tế mà chính phủ Mỹ áp đặt chống lại Venezuela tiếp tục được triển khai tại nhiều địa phương của quốc gia Nam Mỹ này. Phát biểu trên các phương tiện truyền thông nhà nước, Tổng thống Venezuela N.Maduro khẳng định đến cuối tuần qua nước này đã thu thập được tới 13 triệu chữ ký phản đối các biện pháp phi lý của Mỹ áp dụng với người dân Venezuela. Kể từ đầu năm 2019, Mỹ liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Venezuela, gây thiệt hại cho nước này hàng tỷ USD.
Tunisia: Bầu cử tổng thống
Ngày 15-9, các cử tri Tunisia đã bỏ phiếu tại 13.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc trong cuộc bầu cử tổng thống mà không có ứng cử viên nào có ưu thế vượt trội. Có 26 ứng cử viên đăng ký tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, trong đó có Thủ tướng D.Cha-hét, hai cựu thủ tướng khác, một cựu tổng thống và một cựu bộ trưởng quốc phòng. Theo kế hoạch, kết quả sơ bộ cuộc bầu cử sẽ được công bố vào ngày 17-9. Nếu trong cuộc bỏ phiếu lần này, không có ứng cử viên nào giành được hơn 50% số phiếu bầu, Tunisia sẽ phải tiến hành cuộc bỏ phiếu vòng hai dự kiến vào ngày 13-10 tới.
Ấn Độ: Công bố gói thúc đẩy tăng trưởng 10 tỷ USD
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ N.Sitharaman đã công bố gói tài chính trị giá gần 10 tỷ USD nhằm thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong sáu năm qua. Gói tài chính nêu trên sẽ được dành cho lĩnh vực xuất khẩu và bất động sản, mang lại lợi ích cho khoảng 350 nghìn người mua nhà. Đối với lĩnh vực xuất khẩu, một chương trình hoàn thuế mới gọi là “hủy bỏ nghĩa vụ thuế đối với hàng xuất khẩu” sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Đây là biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lần thứ ba của Chính phủ Ấn Độ kể từ sau cuộc bầu cử Hạ viện.