Thái Lan: Trước thềm bầu cử, xôn xao thông tin ông Thaksin hồi hương
Các chuyên gia cho rằng cựu Thủ tướng Thaksin không thể cứ thế trở về Thái Lan, mà trước tiên phải đạt được thỏa thuận với chính quyền thân quân đội đã lật đổ ông.
Được hàng triệu người ngưỡng mộ và cũng bị nhiều người chê bai, tỷ phú Thái Lan, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã đứng vững trên nền chính trị đầy sóng gió của đất nước mình trong hơn 2 thập kỷ – mặc dù ông chủ yếu sống lưu vong kể từ khi bị lật đổ vào năm 2006.
Giờ đây, thông báo của ông Thaksin về kế hoạch hồi hương vào tháng 7 đã gây xôn xao khi cử tri Thái Lan chuẩn bị đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 14/5 tới.
“Tôi đã quyết định về nhà để chăm cháu vào tháng 7, trước sinh nhật của tôi”, ông Thaksin, người sẽ bước sang tuổi 74 vào ngày 26/7, cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 9/5. Đây là lần thứ hai trong tháng này vị cựu Thủ tướng thông báo về kế hoạch hồi hương. “Đã gần 17 năm tôi phải xa gia đình. Tôi cũng đã già”.
Các nhà phân tích cho rằng thông báo này có hàm ý cho không chỉ cuộc bỏ phiếu đang cận kề mà còn các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ liên minh sau đó.
Con gái của ông Thaksin, Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, là ứng cử viên Thủ tướng hàng đầu của Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đối lập gồm những người trung thành với phong trào dân túy đưa cha bà lên nắm quyền lần đầu tiên vào năm 2001.
Một số người bác bỏ tuyên bố mới nhất của ông Thaksin như một trò chơi để thu hút phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng nếu ông nghiêm túc về việc hồi hương, điều đó có thể làm phức tạp thêm tình hình hậu bầu cử khi Pheu Thai cố gắng thành lập một liên minh với các đảng đối lập khác nhằm chấm dứt sự thống trị của quân đội đối với nền chính trị.
Đó là bởi vì để hồi hương, ông Thaksin phải đạt được thỏa thuận với một số thành phần thân quân đội vốn đã 3 lần lật đổ ông và người thân khỏi chức vụ Thủ tướng.
“Thông báo (của ông Thaksin) có thể gợi ý rằng Pheu Thai đang tìm kiếm một thỏa thuận có thể giúp họ liên kết với các đối thủ cũ của mình để đưa ông Thaksin về nước”, ông Titipol Phakdeewanich, trưởng khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani (Thái Lan), cho biết.
Dù thế nào đi nữa, ông Thaksin đã một lần nữa đặt mình vào trung tâm của bối cảnh chính trị mà trong nhiều năm đã có lúc gây ra hỗn loạn do sự đối địch giữa những người ủng hộ ông, những người yêu mến ông vì các chính sách dân túy, và những đối thủ của ông, những người coi thường ông như một kẻ thô lỗ, cơ hội và tham nhũng.
Liên minh mong manh
Trong cuộc bỏ phiếu hôm 14/5 tới, Pheu Thai một lần nữa được nhiều người kỳ vọng sẽ giành được nhiều ghế nhất trong Hạ viện Thái Lan 500 ghế. Nhưng do các quy tắc do quân đội soạn thảo, đảng này có thể gặp khó khăn trong việc thành lập một liên minh cầm quyền, vì Thượng viện Thái Lan 250 ghế, nơi có những thành viên thuộc chính quyền quân sự, cũng được bầu Thủ tướng.
Trong đợt tổng tuyển cử cách đây 4 năm, mặc dù Pheu Thai đã giành được nhiều ghế nhất, nhưng những lá phiếu từ Thượng viện đã giúp Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-o-cha duy trì quyền lực.
Lần này, Pheu Thai đang dẫn đầu các cuộc thăm dò, cùng với Đảng Tương lai Mới (MFP) có tư tưởng tiến bộ, hướng tới giới trẻ.
Cùng với nhau, 2 đảng đối lập có thể giành được tới 2/3 số ghế ở Hạ viện, khiến họ tiến gần đến mức 75% cần thiết để vượt qua 250 phiếu bầu của Thượng viện.
Và với việc nhiều đảng khác đang ngỏ ý muốn tham gia liên minh đối lập, và một số thành viên Thượng viện Thái Lan gần đây thể hiện sự sẵn sàng thách thức chính quyền thân quân đội, một liên minh Pheu Thai-MFP rất có khả năng sẽ được hình thành, nhưng sẽ loại trừ các đảng thân quân đội.
Mới gần đây nhất vào tuần trước, bà Paetongtarn của Pheu Thai tuyên bố sẽ không bao giờ tham gia với các đảng ủng hộ quân đội và bày tỏ sẵn sàng tham gia cùng MFP trong một liên minh.
Nhưng việc đưa cha bà về nước cuối cùng có thể là yếu tố quyết định đối với Pheu Thai, và điều đó sẽ buộc họ phải tìm kiếm một thỏa thuận với các thành phần thân quân sự.
“Để ông Thaksin trở về nhà, phải có một thỏa thuận. Ông ấy không thể cứ thế nhập cảnh vào Thái Lan”, ông Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết.
“Sau cuộc bầu cử, Pheu Thai sẽ chờ thời cơ và tìm kiếm một thỏa thuận. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ khả năng Pheu Thai đồng hành với MFP là rất mong manh.”
Thỏa thuận hồi hương
Giải thích lý do tại sao phe bảo thủ cầm quyền có thể sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận và cho phép người mà họ đã chống đối trong nhiều thập kỷ quay trở lại đất nước, ông Thitinan cho biết, sau rất nhiều thời gian và sóng gió, nhiều người trong chính quyền đã kết luận rằng không còn đáng để chống lại ông Thaksin.
Trên thực tế, theo ông Thitinan, các chính sách dân túy từng được coi là cực đoan đã được lồng ghép vào hầu hết các đảng, kể cả những đảng ủng hộ quân đội.
“Các đối thủ của ông ấy và những người khác sẽ suy nghĩ – nếu Thái Lan muốn vượt qua khó khăn này, nếu Thái Lan muốn tìm lại hòa bình và ổn định, thì họ phải giải quyết được câu hỏi hóc búa về Thaksin”, ông Thitinan nói.
Vị chuyên gia cho rằng ông có thể mường tượng ra một thỏa thuận cho phép ông Thaksin hồi hương, bao gồm thời gian ngồi tù tối thiểu và lời hứa không ra tranh cử.
Và đối với chính quyền thân Hoàng gia và quân đội, ông Titipol cho biết, mối đe dọa mà ông Thaksin đại diện bấy lâu nay đã được thay thế bằng MFP, một đảng với những đề xuất thậm chí còn tiến bộ hơn, bao gồm kêu gọi sửa đổi luật chống lại việc chỉ trích Nhà vua.
“Họ ghét MFP hơn. Họ đang coi đó là một mối đe dọa nhiều hơn do các chương trình cải cách của đảng này”, ông Titipol kết luận.
Ông Thaksin cho biết ông sẽ tham gia vào quá trình pháp lý khi trở về với đất nước vẫn đang được lãnh đạo lâm thời bởi chính quyền thân quân sự. Cựu Thủ tướng phải đối mặt với án tù vì cáo buộc tham nhũng, điều mà gia đình Shinawatra cho rằng là có động cơ chính trị.
“Đừng lo lắng rằng tôi sẽ là gánh nặng cho Pheu Thai”, ông Thaksin cho biết trong một bài đăng Twitter tiếp theo sau thông báo hồi hương hôm 9/5, cũng ám chỉ lòng trung thành của ông với chế độ quân chủ. “Tất cả là quyết định của riêng tôi vì tình yêu và sự ràng buộc mà tôi dành cho gia đình, quê hương và Nhà vua”.
Minh Đức (Theo Reuters, Bloomberg)