'Thái mặc chú tình': Cuộc sống gần gũi trong tranh thủy mặc

Triển lãm tranh thủy mặc Thái mặc chú tình của 7 họa sĩ người Hoa đang hoạt động mỹ thuật tại TP HCM thu hút đông đảo khách tham quan và thưởng lãm.

Triển lãm nêu trên diễn ra từ nay đến hết ngày 24-3, tại Hội Mỹ thuật TP HCM - 218A Pasteur, quận 3.

Các bức tranh triển lãm lấy cảm hứng chủ đạo từ những điều gần gũi trong cuộc sống đời thường ở khắp các vùng miền cả nước. Hai trường phái truyền thống và hiện đại kết hợp theo tinh thần thủy mặc đúc nên tình (Thái mặc chú tình), dùng bút mực thể hiện tâm tư.

7 họa sĩ tham gia triển lãm đại diện cho hai thế hệ nhưng có chung đam mê với dòng tranh này: Lục Hà Kim (88 tuổi), Trịnh Huy (75 tuổi), Trương Lộ (70 tuổi), Lý Bỉnh Toàn (61 tuổi), Lư Hồng Phúc (61 tuổi), Trần Vũ Bằng (44 tuổi) và Trương Gia Tuấn (26 tuổi).

Các tác phẩm có nội dung đa dạng, quen thuộc với chủ đề sơn thủy, chim muông hoa điểu, mai lan cúc trúc. Trong đó, họa sĩ Lư Hồng Phúc đem đến nhiều bức tranh thủy mặc mang màu sắc tươi vui, mô tả cảnh tượng trăm hoa đua nở, ngập tràn sắc xuân. Họa sĩ Lý Bỉnh Toàn gây ấn tượng với các bức họa có cảm hứng từ thơ của Tô Đông Pha, tiểu thuyết của Kim Dung...

Các bức tranh mô tả cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số ở nhiều nơi trên cả nước, một thoáng miền Tây hay một góc quen thuộc nơi đông đảo người Hoa đang sinh sống tại TP HCM.

Họa sĩ Lư Hồng Phúc bên các tác phẩm của mình.

Họa sĩ Lư Hồng Phúc bên các tác phẩm của mình.

"Ngư Tiều Canh Độc" của tác giả Lý Bỉnh Toàn lấy cảm hứng từ một phân cảnh trong bộ "Anh hùng xạ điêu" của tiểu thuyết gia Kim Dung.

"Ngư Tiều Canh Độc" của tác giả Lý Bỉnh Toàn lấy cảm hứng từ một phân cảnh trong bộ "Anh hùng xạ điêu" của tiểu thuyết gia Kim Dung.

"Xích Bích" của nhà thơ Tô Đông Pha dưới nét vẽ của họa sĩ Lý Bỉnh Toàn

"Xích Bích" của nhà thơ Tô Đông Pha dưới nét vẽ của họa sĩ Lý Bỉnh Toàn

NSND Trương Lộ, họa sĩ lão làng trong dòng tranh thủy mặc, có nhiều tác phẩm ghi lại những khoảnh khắc rất gần gũi của người dân ở những nơi mà ông có dịp ghé qua. Trong đó, "Miền quê chân chất" là hình ảnh người phụ nữ Hà Nội chở 2 con thơ đi ngang buồng chuối vắt vẻo trên đầu; "Gió mát trước nhà tôi" ẩn sâu câu chuyện người Xtiêng ở Bình Phước không còn giữ được bản sắc văn hóa; "Một thoáng phố cổ Hà Nội" thể hiện góc nhìn của tác giả khi ngắm cố đô...

Họa sĩ lão làng Trương Lộ và bức tranh ông thích nhất trong triển lãm lần này.

Họa sĩ lão làng Trương Lộ và bức tranh ông thích nhất trong triển lãm lần này.

Đời sống cư dân thành phố cũng là mạch cảm hứng sáng tác của họa sĩ tiền bối Lục Hà Kim. Ông thường xuyên lang thang khắp các ngõ ngách để quan sát rồi ký họa và cho ra đời những tác phẩm có vẻ đẹp đa chiều, nhân văn. Trong cái đẹp, cái nên thơ còn có cả những tác phẩm thủy mặc mang sắc thái đượm buồn, phản ánh cuộc sống còn khó khăn ở vùng sâu vùng xa từ hai họa sĩ trẻ Trần Vũ Bằng và Trương Gia Tuấn.

Ảnh trên: Công viên vành đai xanh quận 6; ảnh dưới: Khu dân cư vành đai xanh quận 6 của tác giả Lục Hà Kim.

Ảnh trên: Công viên vành đai xanh quận 6; ảnh dưới: Khu dân cư vành đai xanh quận 6 của tác giả Lục Hà Kim.

Tác phẩm "Nét xưa" của tác giả Trần Vũ Bằng.

Tác phẩm "Nét xưa" của tác giả Trần Vũ Bằng.

Họa sĩ trẻ Trương Gia Tuấn với hai tác phẩm phác họa nét đẹp kiến trúc và đời sống của người dân

Họa sĩ trẻ Trương Gia Tuấn với hai tác phẩm phác họa nét đẹp kiến trúc và đời sống của người dân

Họa sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, cho biết: "CLB Mỹ thuật người Hoa là một trong những CLB đầu tiên ra đời từ khi Hội Mỹ thuật TP HCM mới thành lập. CLB này rất mạnh về triển lãm và sáng tác, đã hình thành dòng tranh thủy mặc rất đặc trưng của TP HCM và cả nước". CLB Mỹ thuật người Hoa hiện có gần 40 thành viên.

Hà Giang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/trien-lam-thai-mac-chu-tinh-cuoc-song-gan-gui-trong-tranh-thuy-mac-20220319054927162.htm