Thái Nguyên - 60 năm thực hiện lời Bác dặn, bài 1: Tuy Người ở xa nhưng 'lòng' luôn gần

Trong lần cuối về thăm tỉnh Thái Nguyên (1/1/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn 'Tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta'.

Khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương. Sau 60 năm, từ một địa phương nghèo, Thái Nguyên đã trở thành tỉnh phát triển khá; đang từng bước xây dựng quê hương bình yên, hạnh phúc, sung túc và ngày càng phát triển.

Di tích Nhà sàn ở đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc - nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ATK Định Hóa lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp.

Di tích Nhà sàn ở đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc - nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ATK Định Hóa lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bác chọn Thái Nguyên là căn cứ địa cách mạng

Trong bộn bề những công việc đại sự của quốc gia, quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Đúng như thư Người viết gửi đồng bào các dân tộc Thái Nguyên, cùng các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Đông (năm 1946): “Tuy hiện nay, tôi ở Hà Nội, cách xa với đồng bào, nhưng không bao giờ tôi quên đồng bào… người tôi tuy xa nhưng lòng tôi luôn gần anh em”.

Trong lời đề dẫn cuốn sách “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ” (Nhà Xuất bản Thời Đại), cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Bác quyết định trở lại Việt Bắc và xây dựng ATK kháng chiến của Trung ương trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa và Chợ Đồn thuộc 3 tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Đó là “Thủ đô kháng chiến”. Trong đó, các khu ATK Thái Nguyên có vai trò rất quan trọng của Thủ đô kháng chiến. Vì ở đó, Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh và cơ quan của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và nhiều cơ quan trọng yếu của Trung ương đã ở và làm việc.

Những giá trị truyền thống của Thái Nguyên, cùng với nỗ lực chuẩn bị của quân dân trong tỉnh sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công là điều kiện căn cốt để Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch lựa chọn nơi đây là một trong những địa phương xây dựng ATK Trung ương của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Còn GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: Thái Nguyên, cụ thể là ATK Định Hóa giữ vai trò trung tâm của chiến khu Việt Bắc bởi trong thời gian ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định nhiều chủ trương lớn và có những hoạt động quan trọng, lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc ta đi đến thắng lợi. Đáng chú ý là việc kịp thời ra Chỉ thị “Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp”, lãnh đạo quân dân ta đánh tan cuộc hành quân quy mô lớn của thực dân Pháp lên Việt Bắc; mở chiến dịch Biên Giới và đặc biệt là thông qua kế hoạch, phương án tác chiến Đông Xuân 1953-1954, mở Chiến dịch Điện Biên Phủ để làm nên một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo đẩy mạnh nhiệm vụ “kiến quốc”, phát động và tổ chức phong trào thi đua ái quốc trong quần chúng nhân dân; nỗ lực vận động ngoại giao, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện có kết quả nhiều hoạt động đối ngoại, tăng cường thế và lực cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Tại Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; viết Lời kêu gọi Thi đua ái quốc; ký sắc lệnh và chủ trì Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. ATK Thái Nguyên là nơi tổ chức công bố lấy ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ; nơi đầu tiên thể nghiệm chính sách thuế nông nghiệp (tháng 5-1951) của Chính phủ, thí điểm cải cách ruộng đất, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân…

Khu vực cây đa Khuôn Tát, xã Phú Đình - nơi Bác Hồ cùng các đồng chí cảnh vệ hằng ngày thường tập thể dục, chơi bóng chuyền, tập võ để rèn luyện sức khỏe, trong thời gian ở ATK Định Hóa.

Khu vực cây đa Khuôn Tát, xã Phú Đình - nơi Bác Hồ cùng các đồng chí cảnh vệ hằng ngày thường tập thể dục, chơi bóng chuyền, tập võ để rèn luyện sức khỏe, trong thời gian ở ATK Định Hóa.

Luôn dõi theo sự phát triển của tỉnh

Khi Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 7 lần trở lại thăm, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên; chỉ đạo Đảng bộ Thái Nguyên lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới.

Trong lần cuối cùng về Thái Nguyên (ngày 1/1/1964), nói chuyện với hơn 45 nghìn cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh, Bác thể hiện sự vui mừng vì thấy tỉnh có nhiều đổi mới, có nông nghiệp tiến bộ và công nghiệp gang thép. Bác nhấn mạnh: “Tỉnh ta sớm có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hóa, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào và nhân dân sẵn có tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có rất nhiều điều kiện thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Những khi không có điều kiện gặp trực tiếp cán bộ và nhân dân, nhất là từ sau ngày 1/1/1964, do hoàn cảnh chiến tranh và bận nhiều công việc quan trọng, Bác vẫn thường xuyên quan tâm đến phong trào, đời sống cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Thông qua sách báo, tài liệu, Người theo dõi từng bước đi của Thái Nguyên; biểu dương những thành tích, ưu điểm cần phát huy, chỉ rõ sai lầm, khuyết điểm và hướng dẫn cách thức sửa chữa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình cảm đặc biệt và luôn quan tâm dìu dắt, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên phát huy tinh thần yêu nước, hăng hái tiến lên làm tròn nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ. Bác nhắc nhở chúng ta phải đoàn kết, đoàn kết trong Đảng cũng như đoàn kết trong nội bộ nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Người viết nhiều bài báo, như tác phẩm “Phải thi đua chống hạn, diệt sâu, để nắm chắc vụ mùa thắng lợi”, để biểu dương nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Thái Nguyên; bài “Phải ra sức trồng hoa màu” đăng trên Báo Nhân Dân, biểu dương thành tích trồng màu khá của tỉnh, tiêu biểu là Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (Định Hóa); “Chi bộ tốt thì hợp tác xã tốt”, biểu dương Chi bộ Hòa Bình (Võ Nhai) đã thật thà phê bình, nhận rõ khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa; “Càng già càng giỏi”, biểu dương các cụ phụ lão ở Phổ Yên giúp đỡ dân quân du kích, động viên con cháu hăng hái làm nghĩa vụ quân sự…; đồng thời cũng nghiêm khắc phê bình những điểm hạn chế, như việc “lạm sát” trâu, bò, ảnh hưởng đến sức kéo nông nghiệp; cách làm cứng nhắc, thiếu dân chủ ở một số địa phương trong tỉnh.

Mỗi lần có dịp gặp lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về Hà Nội công tác, Bác thường nhắc nhở, căn dặn phải tăng cường đoàn kết. Đoàn kết trong Đảng cũng như đoàn kết trong nội bộ nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là Thái Nguyên là tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống với nhau từ lâu đời. Bởi vì, đoàn kết là sức mạnh, có sức mạnh đoàn kết thì việc gì cũng thành công.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/202312/thai-nguyen-60-nam-thuc-hien-loi-bac-dan-bai-1-tuy-nguoi-o-xa-nhung-long-luon-gan-9db1a49/