Thái Nguyên chủ động ứng phó với siêu bão YAGI

Cơn bão số 3 (bão YAGI) đã mạnh thành siêu bão và có nguy cơ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, trong đó có Thái Nguyên. Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, hiện nay, Thái Nguyên đang khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm ứng phó với cơn bão mạnh này.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, kiểm tra tình hình mưa lũ, sạt lở đất tại huyện Định Hóa, ngày 31/7/2024. Ảnh: TL

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, kiểm tra tình hình mưa lũ, sạt lở đất tại huyện Định Hóa, ngày 31/7/2024. Ảnh: TL

P.V: Cơ quan chuyên môn nhận định như thế nào về mức độ ảnh hưởng của bão số 3 đối với các tỉnh Bắc Bộ nói chung, Thái Nguyên nói riêng, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 3, từ đêm 6 đến sáng 9-9, tại khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 150-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến từ 100-150mm.

Dự báo tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng. Từ ngày 7 đến 10-9, trên các sông, suối tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa xuất hiện 1 đợt lũ. Cảnh báo nguy cơ ngập lụt diện rộng tại các tỉnh vùng núi, đồng bằng, trung du Bắc Bộ, các khu đô thị, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên.

Các chuyên gia nhấn mạnh, mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt gây lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Theo đó, từ đêm 6 đến ngày 8-9, cả 9 huyện, thành phố của Thái Nguyên đều có nguy cơ rất cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.

P.V: Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Chi cục Thủy lợi đã triển khai những biện pháp gì để ứng phó với siêu bão YAGI, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Để ứng phó với bão số 3, Chi cục Thủy lợi đã chủ động tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh tham mưu, báo cáo Tỉnh ủy ban hành Văn bản số 2381-CV/TU ngày 5/9/2024 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh, theo nội dung Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, chúng tôi đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các công điện số 13, 14/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3; mời các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan họp triển khai công tác ứng phó khẩn cấp với cơn bão. Đồng thời tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Văn bản số 3973/SNN-QLXDCT ngày 5/9/2025 đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, đê điều ứng phó với bão số 3. Trong đó cần chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt; theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân…

Đường vào xóm Thượng Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai) bị sạt lở sau trận mưa lớn gần đây.

Đường vào xóm Thượng Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai) bị sạt lở sau trận mưa lớn gần đây.

P.V: Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân làm những gì để ứng phó với bão số 3, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Dự báo từ ngày 7 đến 9-9, bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền. Do đó, việc cần làm đầu tiên là người dân thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo bão trên các phương tiện thông tin đại chúng và loa phát thanh của thôn, xã; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp bảo đảm an toàn khi bão về, kiểm tra nhà cửa, các công trình xây dựng…

Cùng với đó, người dân ở các khu chung cư trên địa bàn tỉnh cũng cần kiểm tra hệ thống thoát nước để bảo đảm không bị tràn nước ngược vào căn hộ; di dời chậu cây, vật nặng... đang để ở ban công xuống đất để tránh bị rơi, bay khi bão vào. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng: Đèn pin, đèn đeo trán, dây thừng, mũ bảo hiểm, kính bảo hộ mắt, bình chữa cháy... và nên soạn sẵn một ba lô đựng những giấy tờ quan trọng để mang theo khi cần.

Khi mưa bão xảy ra, bà con tuyệt đối tránh xa cửa sổ và cửa ra vào để phòng tránh cửa bị đổ, kính vỡ văng vào người. Nếu được lệnh sơ tán, cần mang theo những đồ dùng thiết yếu cho gia đình và di chuyển ngay đến nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp. Phải thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu nạn, cứu hộ.

Sau khi bão đổ bộ, người dân cần chú ý đến những yếu tố nguy hiểm như: Đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan thì khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra. Tuyệt đối không đến gần hoặc đi vào các tòa nhà đã bị hư hại, ngập nước; tuân thủ theo biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn) vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc gặp nguy hiểm…

P.V: Xin cảm ơn ông!

Tùng Lâm (Thực hiện)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202409/thai-nguyen-chu-dong-ung-pho-voi-sieu-bao-yagi-2652218/