Thái Nguyên chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các Đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Trong 3 quý đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến Thái Nguyên đạt gần 3 triệu lượt, cao hơn so với cả năm 2023, doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.800 tỷ đồng...

Múa Tắc xình của người Sán Chay ở huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Ảnh: Chu Khôi.

Múa Tắc xình của người Sán Chay ở huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Ảnh: Chu Khôi.

Chiều 30/10/2024 tại cây đa Bác Hồ ở xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) diễn ra lễ công bố quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận điểm du lịch cộng đồng xóm Khuôn Tát…

Trong khuôn khổ lễ công bố này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên tổ chức nhiều sự kiện: Chương trình Famtrip "khảo sát tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên"; Tọa đàm "Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên"; Trưng bày triển lãm về đề tài phát triển du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh…

Trước đó, vào tối 29/10, UBND huyện Định Hóa tổ chức chương trình liên hoan sắc màu văn hóa các dân tộc ATK (an toàn khu) Định Hóa năm 2024.

DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Sáng 30/10/2024, tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức tọa đàm: “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.

Tọa đàm thu hút sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên… cùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang làm du lịch cộng đồng tại nhiều địa phương.

Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, cho biết dù không có những danh thắng tầm cỡ thế giới như một số địa phương, nhưng thời gian qua tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển, khai thác các dòng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù như du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch về nguồn.

Quang cảnh tọa đàm sáng 30/10/2024. Ảnh: Chu Khôi.

Quang cảnh tọa đàm sáng 30/10/2024. Ảnh: Chu Khôi.

Đặc biệt, du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà là một trong những sản phẩm đặc sắc tại tỉnh Thái Nguyên. Thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai các Đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

"Trong 3 quý của năm 2024, lượng khách du lịch đến Thái Nguyên đạt gần 3 triệu lượt, cao hơn so với cả năm 2023, doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.800 tỷ đồng, cho thấy du lịch của tỉnh đã có những định hướng phù hợp".

Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên.

Ông Lê Ngọc Linh cho biết trong năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Thái Nguyên tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ…

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch trong quý 4/2024 như: Tổ chức chương trình Famtrip du lịch sinh thái, cộng đồng trong tháng 10/2024; tiếp tục tổ chức một số Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Thái Nguyên tại các tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Ông Lê Ngọc Linh mong muốn các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch khi kết nối điểm đến tại Thái Nguyên sẽ có cái nhìn thực tế về các khu, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, từ đó xây dựng các tour, tuyến du lịch phù hợp.

Là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, ông Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, cho hay Định Hóa có 17 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 73% dân số toàn huyện. Các dân tộc sinh sống xen kẽ, quây quần, đoàn kết cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xã hội, với những phong tục tập quán, văn hóa khác nhau là cơ sở, nền tảng quan trọng để huyện Định Hóa tập trung phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Theo ông Sáng, toàn huyện Định Hóa có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 3 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa; có 183 điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt; 18 di tích quốc gia và 29 di tích cấp tỉnh; có 2 điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận. Địa phương đặc biệt quan tâm tới việc lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc, như: Tày, Sán Chỉ, Dao…

Liên hoan sắc màu văn hóa các dân tộc ATK Định Hóa, tối 29/10/2024. Ảnh: Chu Khôi.

Liên hoan sắc màu văn hóa các dân tộc ATK Định Hóa, tối 29/10/2024. Ảnh: Chu Khôi.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, huyện Định Hóa xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa”. Đặc biệt, huyện đang triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với nội dung thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Các đề án về bảo tồn văn hóa đã góp phần nâng cao nhận thực trong nhân dân, định hướng phát huy vai trò của Nhân dân tự nguyện bảo tồn di sản văn hóa trong cộng đồng, dựa vào di sản văn hóa để có thể phát triển kinh tế thông qua các hoạt động du lịch của địa phương.

Lãnh đạo huyện Định Hóa thông tin thêm, cùng với phát triển du lịch cộng đồng ở Khuôn Tát, địa phương đang hướng đến xây dựng tour du lịch ATK Định Hóa với các điểm đến nổi bật, như: xóm Phú Ninh, Đồng Kệu (xã Phú Đình); Bản Quyên (xã Điềm Mặc); hồ Bảo Linh (xã Bảo Linh); chùa Hang, Nhà tù Chợ Chu (thị trấn Chợ Chu)…

Huyện Định Hóa cũng sẽ trích ngân sách địa phương thực hiện đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng các sản phẩm đặc trưng, hỗ trợ các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ... với mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

KHUÔN TÁT LÀ ĐIỂM ĐẾN QUAN TRỌNG

Trong Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, xóm Khuôn Tát được hoạch định là một trong những điểm đến quan trọng.

Tại đây, sẽ có dịch vụ tham quan các điểm di tích lịch sử như nơi Bác Hồ và Chính phủ từng ở và làm việc trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp; Di sản cây đa Bác Hồ; suối Khuôn Tát – nơi Bác Hồ tắm giặt; thác và hồ Khuôn Tát, trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại Làng du lịch cộng đồng Khuôn Tát.

Suối Khuôn Tát - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tắm giặt trong những năm tháng ở An Toàn Khu Định Hóa. Ảnh CK

Suối Khuôn Tát - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tắm giặt trong những năm tháng ở An Toàn Khu Định Hóa. Ảnh CK

Ông Triệu Đình Thịnh, chủ một Homestay ngay sát Di sản Cây đa Bác Hồ ở xóm Khuôn Tát, cho biết Khuôn Tát có 102 hộ dân, với 404 nhân khẩu, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Xóm nằm cách Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình, khoảng 2 km. Đây cũng là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc từ tháng 11/1947 đến tháng 1/1954.

"Hoạt động du lịch tại xóm Khuôn Tát những năm qua vẫn còn manh mún, chưa đem lại hiệu quả cao. Lượng khách đến trải nghiệm dài ngày rất ít, chủ yếu là khách tham quan trong ngày".

Ông Triệu Đình Thịnh, chủ một Homestay ngay sát Di sản Cây đa Bác Hồ ở xóm Khuôn Tát.

Với nhiều di sản văn hóa - lịch sử độc đáo và phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nhiều gia đình ở Khuôn Tát đã tập trung sửa sang các nếp nhà sàn, khôi phục các nét văn hóa trong đời sống để đón khách du lịch. Tuy nhiêu, hiệu quả đem lại chưa cao. Do đó, nhân dân trong xóm rất mong muốn được quan tâm, hỗ trợ để phát huy được những tiềm năng sẵn có nhằm phát triển du lịch cộng đồng và nâng cao thu nhập.

Hồ khuôn Tát là nơi được du khách yêu thích.

Hồ khuôn Tát là nơi được du khách yêu thích.

Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch đã “hiến kế” cho đồng bào thiểu số cách thu hút khách ở lại qua đêm. Theo đó, cần phải có nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch để giữ chân du khách. Cứ nói “Mài bản sắc dân tộc của mình ra để bán cho khách du lịch”, nhưng cần phải chỉ ra những thứ bán được ấy là gì. Trước hết, các homestay và phục vụ ăn uống cần phải sạch sẽ, gọn gàng. Tiếp đến, nên kết hợp du lịch với chăm sóc sức khỏe, người dân nên trồng các cây thuốc, dược liệu.

Tại các nhà có vườn rộng, và trên các đường làng, cần trồng hoa tạo cảnh quan đẹp để khách đến chụp ảnh lưu niệm. Đồng thời, cần kết hợp giới thiệu các hoạt động bảo tồn văn hóa, cùng với biểu diễn các tiết mục văn nghệ, hát múa truyền thống của đồng bào thiểu số, cần trình diễn các hoạt động làm bánh truyền thống… để thu hút du khách.

Đặc biệt, riêng với Khuôn Tát là nơi Bác Hồ ở trong những năm kháng chiến, địa phương nên sưu tập các món ăn của Bác Hồ và cơ quan trung ương thời đó để giới thiệu với du khách.

Ngoài rà, người dân địa phương cũng cần quan tâm quảng bá điểm đến và các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trên các mạng xã hội.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thai-nguyen-chu-trong-xay-dung-san-pham-du-lich-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.htm