Thái Nguyên: Chuyển đổi số tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là chìa khóa để phát triển bền vững, thời gian qua Thái Nguyên đã thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số, là 1 trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công cuộc CĐS

Thái Nguyên chuyển đổi số tạo động lực phát triển kinh tế-xã với ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Thái Nguyên chuyển đổi số tạo động lực phát triển kinh tế-xã với ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Nghị quyết số 01 tạo sức bật phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh Thái Nguyên

Nghị quyết số 01 với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành Trung tâm CĐS của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS đã mở ra hướng đi mới, tạo động lực mang lại nhiều thành tựu quan trọng trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại Thái Nguyên.

Với 15 chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết, Thái Nguyên không chỉ thực hiện đạt và vượt hằng năm mà qua đó, CĐS đã đi vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi nhận thức của quần chúng nhân dân.

Hiện nay, hạ tầng cứng của tỉnh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển, đồng bộ, bảo đảm kết nối liên thông, liên vùng quốc gia. Đến nay, tốc độ truy cập mạng băng rộng trên địa bàn tỉnh ở mạng di động băng rộng đạt 45 Mbps, đối với mạng cố định băng rộng đạt 87 Mbps; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%; tỷ lệ hộ có điện thoại thông minh đạt 97%; tỷ lệ hộ có Internet băng rộng cáp quang đạt 76%. Trên địa bàn tỉnh hiện tại có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông với 1.830 điểm thu phát sóng điện thoại di động (BTS).

Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã thành lập trên 2.255 tổ công nghệ cộng đồng với gần 15.000 thành viên nòng cốt để hỗ trợ CĐS cho người dân. Ứng dụng C-Thái Nguyên đã có trên 362.000 lượt cài đặt, 140.000 hộ dân được tạo tài khoản để đưa thông tin lên mạng.

Về chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đến ngày 3/9/2024, Thái Nguyên đạt 83,87/100 điểm, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố.

Kinh tế số tại Thái Nguyên đã cho thấy những lợi ích tích cực cho doanh nghiệp và người dân. Năm 2024, tổng doanh thu kinh tế số ước tính cả năm đạt 711,6 nghìn tỷ đồng. Theo đó, các sở, ngành tăng cường hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp số. Trong đó chú trọng tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp CĐS, ứng dụng công nghệ và các giải pháp trên nền tảng số.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho người dân, tăng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 5 nghìn doanh nghiệp số, trong đó có trên 300 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số, tư vấn giải pháp chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin; có 107 chợ 4.0, đạt 100% các chợ đủ điều kiện triển khai; 820/898 doanh nghiệp, hộ kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế khởi tạo từ máy tính tiền, đạt tỷ lệ 91,3%.

Mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo CĐS an toàn, hiệu quả tại Thái Nguyên

Giai đoạn này, Thái Nguyên đang thực hiện mục tiêu 100% trường đại học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh triển khai 5G, làm tiền đề để năm 2025, 100% khu dân cư được phủ sóng 5G, 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng thông rộng 4G/5G; 100% khách hàng sử dụng mạng Internet đều có thể truy cập FTTH tốc độ Gbps.

Bên cạnh đó, tỉnh mời gọi thu hút đầu tư để xây dựng Trung tâm dữ liệu (DataCenter) quy mô trên 1.000 racks, trên 10MW để cung cấp dịch vụ dữ liệu vùng cũng như nâng cấp trung tâm dữ liệu dùng chung của tỉnh, phục vụ lưu trữ dữ liệu và triển khai các ứng dụng CĐS; phát triển các mô hình điểm kết hợp giữa hạ tầng mới, ứng dụng đổi mới sáng tạo như 5G campus (mạng 5G trong khuôn viên), Smart factory (Nhà máy thông minh); triển khai hệ thống camera AI tại các khu công nghiệp, khu trung tâm… phục vụ công tác theo dõi, quản lý, thống kê người ra vào khu vực và kiểm soát an ninh trật tự.

Đồng thời, triển khai STEM trong giáo dục phổ thông; bổ sung năng lực sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo cho lực lượng lao động theo tinh thần “bình dân học AI” để hình thành nên lực lượng sản xuất mới trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo để người dân Thái Nguyên có thể nâng cao mức sống và thu nhập.

Cùng với đó, xác định chuyển đổi số phải gắn liền bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số, Tỉnh chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

2025 Thái Nguyên phấn đấu trên 90% dịch vụ công trực tuyến toàn trình

2025 Thái Nguyên phấn đấu trên 90% dịch vụ công trực tuyến toàn trình

Giai đoạn 2024-2025, Thái Nguyên phấn đấu trên 90% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Thái Nguyên nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong phát triển Chính phủ số, hoàn thành xây dựng Kiến trúc số (Chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên, phiên bản 3.0); xây dựng Chiến lược dữ liệu tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030; triển khai Hệ thống thông tin 1022 kết nối người dân với chính quyền tỉnh Thái Nguyên; triển khai camera giám sát thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); xây dựng Hệ thống định danh số thống nhất, linh hoạt, dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa VNeID và hệ thống định danh số của tỉnh; triển khai Bản đồ số phục vụ công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác quy hoạch và quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch phát triển tỉnh./.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thai-nguyen--chuyen-doi-so-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-132116.htm