Thái Nguyên: 'Đánh thức' ngành du lịch với các sản phẩm cạnh tranh

Thái Nguyên triển khai hàng loạt các hoạt động, giải pháp kích cầu du lịch nhằm thu hút du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Việt Bắc với 'đệ nhất danh trà' nổi tiếng.

Các du khách nước ngoài tham quan vùng chè Tân Cương năm 2019. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Các du khách nước ngoài tham quan vùng chè Tân Cương năm 2019. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Với thông điệp “Thái Nguyên điểm đến an toàn-thân thiện-hấp dẫn,” tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đưa ngành du lịch từng bước phục hồi, phát triển mạnh trong thời gian tới, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc với các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thương hiệu cạnh tranh cao.

Thái Nguyên là tỉnh trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục của vùng trung du miền núi phía Bắc với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như khu du lịch Hồ Núi Cốc, một phần Vườn Quốc gia Tam Đảo, cùng với những đồi chè xanh mướt tạo nên thương hiệu “đệ nhất danh trà” nổi tiếng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, lập danh mục theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Trong đó, đã có 17 di sản tiêu biểu, đặc sắc đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên hiện có trên 1.000 di tích được bảo vệ, phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, trong đó có 283 di tích đã được xếp hạng với 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 52 di tích cấp quốc gia, và 218 di tích cấp tỉnh…, Thái Nguyên được nhận định là thị trường du lịch tiềm năng và hấp dẫn của các điểm đến trong cả nước.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, dưới tác động của dịch COVID-19, thời gian qua hoạt động du lịch bị đình trệ dẫn tới lượng khách, doanh thu du lịch giảm sút.

Năm 2021, khách tại các điểm tham quan đạt 54,6%, khách quốc tế đạt 61% so với năm 2020; doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch giảm mạnh. Nguồn nhân lực du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các sơ sở lưu trú, doanh nghiệp, điểm du lịch phải cắt giảm nhân lực, một số doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động.

Cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước phục hồi du lịch trong tình hình mới, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, đón du khách trong và ngoài nước đến Thái Nguyên với mục tiêu năm 2022 đón 1,3 triệu lượt khách.

Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, Sở đã phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Kế hoạch triển khai các biện pháp mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; xây dựng phương án đón khách du lịch trong tình hình mới với các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định với khách nội địa và khách quốc tế.

Cùng với đó, hàng loạt các hoạt động, giải pháp kích cầu du lịch, nhằm thu hút du khách đến Thái Nguyên sẽ được tỉnh triển khai trong thời gian tới, như phát động Tuần Văn hóa du lịch Thái Nguyên; tham gia Hội chợ du lịch VITM Hà Nội 2022; đăng cai tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực 3 (Việt Bắc-Tây Bắc); tổ chức Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 4; đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ 2; tham gia Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” Hà Giang 2022; tiếp tục thực hiện chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thái Nguyên với 6 tỉnh vùng Việt Bắc, với 8 tỉnh vùng Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh; phát động Cuộc thi thiết kế sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch Thái Nguyên; tổ chức các hoạt động nhân các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh gắn với tuyên truyền, quảng bá, kích cầu du lịch…

Suối Mỏ gà tại Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Suối Mỏ gà tại Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Tỉnh Thái Nguyên tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, nhằm đưa những tiện ích, trải nghiệm mới cho du khách.

Tỉnh đã đưa Hệ thống du lịch thông minh vào hoạt động, gồm các phân hệ: Cổng thông tin du lịch (mythainguyen.vn), ứng dụng du lịch trên thiết bị di động (Thai Nguyen Tourism), bản đồ số du lịch, số hóa 2D, 3D các di tích, khu du lịch và hệ thống wifi công cộng đã được lắp đặt tại các khu vực công cộng, di tích, khu du lịch,... nhằm đem đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

Đây cũng là công cụ hữu hiệu để ngành du lịch phát triển đột phá, cải thiện việc ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Thái Nguyên.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, điểm đến, khu du lịch trên địa bàn như mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cơ sở lưu trú du lịch, nâng cao chất lượng tại các điểm đến với việc chỉnh trang lại cảnh quan, giữ gìn môi trường, tài nguyên; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất.

Đặc biệt, tỉnh vận động và khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thực hiện các chương trình khuyến mại với các gói kích cầu du lịch như giữ giá sản phẩm nhưng tăng thêm dịch vụ cho khách du lịch và đảm bảo chất lượng; giảm giá sản phẩm, dịch vụ tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các điểm tham quan du lịch từ 10-40% giá công bố.

Thái Nguyên tăng cường kết nối với các doanh nghiệp du lịch các tỉnh bạn để trao đổi nguồn khách, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng dịch vụ.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, việc mở cửa, từng bước phục hồi du lịch năm 2022 sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện thành công Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đề án, Thái Nguyên sẽ trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu canh tranh cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt trên 10%/năm; tạo việc làm cho trên 16.000 lao động; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch trên 12%/năm; tạo việc làm cho 24.000 lao động; tổng thu từ du lịch đạt 6.600 tỷ đồng./.

Trần Trang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thai-nguyen-danh-thuc-nganh-du-lich-voi-cac-san-pham-canh-tranh/778457.vnp