Thái Nguyên hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước kế hoạch 8 tháng
Chiều 28-4, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh...

Các đại biểu dự Hội nghị.
Xác định công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình giảm nghèo bền vững, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 102/CĐ-TTg, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, khẩn trương tổ chức thực hiện với phương châm: "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ". Tinh thần "tương thân tương ái", “Ai có gì giúp nấy” đã lan tỏa sâu rộng khắp các địa phương trong tỉnh, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, hiệu quả.

Các đại biểu dự Hội nghị.
Sau gần một năm triển khai quyết liệt, toàn tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.838 hộ dân, đạt 100% kế hoạch, về đích sớm hơn 8 tháng so với thời hạn Chính phủ giao. Trong đó có 1.221 căn nhà được xây mới, 617 căn nhà được sửa chữa, cải tạo. Tổng kinh phí thực hiện là gần 195 tỷ đồng, trong đó hơn 80% nguồn lực được huy động từ xã hội hóa, thể hiện sức mạnh tổng hợp và trách nhiệm cộng đồng cao độ.
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ tại địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã chuyển phần kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 còn lại về Trung ương để hỗ trợ các địa phương khác xóa nhà tạm, nhà dột nát, với số tiền 45,6 tỷ đồng. Đồng thời tích cực tham gia ủng hộ các tỉnh, thành phố trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát (hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn 3 tỷ đồng, tỉnh Hòa Bình 2 tỷ đồng).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh: Kết quả xóa nhà tạm, nhà dột nát của Thái Nguyên không chỉ là con số, mà là minh chứng sinh động cho công tác chỉ đạo, triển khai, sự đồng thuận xã hội và tinh thần nhân văn sâu sắc. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sức lan tỏa của phong trào; nâng cao nhận thức, ý chí tự lực của các hộ dân sau hỗ trợ; gắn hỗ trợ nhà ở với phát triển sinh kế, đào tạo nghề, tạo việc làm, bảo đảm người dân thoát nghèo bền vững; lấy sự hài lòng và ổn định đời sống của người dân làm thước đo cho kết quả thực hiện nhiệm vụ…
Nhằm ghi nhận những nỗ lực, đóng góp tích cực trong phong trào, tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo tỉnh trao Bằng khen tặng 35 tập thể, 37 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” tỉnh Thái Nguyên năm 2025.
Hình ảnh khen thưởng tại Hội nghị:


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” tỉnh Thái Nguyên năm 2025.


Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” tỉnh Thái Nguyên năm 2025.


Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” tỉnh Thái Nguyên năm 2025.
* Lược ghi một số tham luận tại Hội nghị:
Võ Nhai vượt khó về đích trước hẹn
(Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai)

Với 15 đơn vị hành chính, 9 dân tộc chủ yếu, số dân trên 70.000 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 72,56%, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Võ Nhai còn cao (khoảng 8,37%, hộ nghèo và 7,48% hộ cận nghèo).
Qua thống kê, huyện Võ Nhai có 783 căn nhà tạm, nhà dột nát (chiếm gần 50% tổng số nhà dột nát toàn tỉnh), trong đó có 470 căn nhà cần được xây mới, 313 căn nhà cần được sửa chữa. Đặc biệt là có đến gần 60% nhà thuộc diện không đủ điều kiện để nhận các nguồn kinh phí hỗ trợ của MTTQ tỉnh và từ ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Võ Nhai còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi thực hiện Chương trình như: địa hình vùng cao chia cắt, giao thông khó khăn; nhiều hộ không đủ điều kiện về đất do ở trên đồi núi cao, thuộc hành lang sông suối, xen kẹp trong rừng phòng hộ; nhiều hộ nghèo không có khả năng đối ứng kinh phí; chủ hộ là người già yếu, neo đơn, không có khả năng tự xây dựng.
Một số hộ dân sinh sống trên khu vực đồi núi cao, nơi giao thông cách trở, không thể vận chuyển vật liệu bằng cơ giới. Mọi vật liệu xây dựng như: gạch, đá, cát, xi măng đều phải gùi gánh bằng sức người, có nơi phải vượt hàng cây số đường rừng mới đến được điểm xây dựng…
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, với quyết tâm cao nhất, huyện Võ Nhai đã thành lập Ban Chỉ đạo, thành lập các tổ công tác (số liệu, hồ sơ, hình ảnh, kinh phí, đất đai…) để giúp Ban Chỉ đạo nắm bắt và chỉ đạo hiệu quả từng nội dung công việc; tổ chức họp rà soát tiến độ thường xuyên; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động trong kiên cố hóa nhà ở của mình.
Để giải quyết những khó khăn về kinh phí, về thiếu vật liệu xây dựng, huyện tổ chức 5 đợt phát động quyên góp ủng hộ, thông qua đó nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, đảng viên, nhân dân và một số địa phương trong tỉnh. Theo đó, huyện đã tiếp nhận trên 13 tỷ đồng, hàng trăm tấn vật liệu xây dựng các loại. Ngoài ra, huyện còn tổ chức huy động các lực lượng cùng tham gia đóng góp hàng nghìn công lao động…
Đến ngày 10/4/2025, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Võ Nhai đã tiến hành khởi công làm nhà và sửa chữa nhà ở. Hoàn thành trước thời hạn Ban Chỉ đạo tỉnh giao (30/4/2025).
Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đề án “Mái ấm yêu thương”
(Bà Vũ Thị Vân, Phó Chủ tịch/ Tổng Thư ký Hội Nữ doanh nhân tỉnh thái nguyên)

Đề án “Mái ấm yêu thương” là sự vận dụng sáng tạo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây là một sáng kiến mang đậm tính nhân văn, thiết thực và hiệu quả, tập trung hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng phụ nữ nghèo và yếu thế, thể hiện sự quan tâm, chú trọng đến mục tiêu tiến bộ và bình đẳng giới.
Đề án “Mái ấm yêu thương” được Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên triển khai từ tháng 10-2024, với mục tiêu hỗ trợ xây dựng 20-50 ngôi nhà, mỗi ngôi nhà trị giá 100 triệu đồng cho các hộ gia đình phụ nữ nghèo và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đề án được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2024–2026) chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI; giai đoạn 2 (2026–2028), hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Nữ Doanh nhân tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hội Nữ doanh nhân tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, trong giai đoạn 1, Hội đã vận động được 2 tỷ đồng từ sự đóng góp của hội viên, doanh nghiệp, mạnh thường quân và cộng đồng Hiệp hội Doanh nhân nữ Việt Nam. Theo đó, Hội đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà “Mái ấm yêu thương” cho 10 hộ gia đình phụ nữ nghèo, khó khăn tại các huyện Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ và Võ Nhai.
Các ngôi nhà được xây dựng theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn và phù hợp với phong tục, tập quán địa phương. Thay vì chỉ dựa vào nguồn kinh phí từ hội viên, Hội đã sáng tạo trong việc kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, mạnh thường quân và nữ doanh nhân trong toàn quốc.
Đặc biệt, để Đề án thực hiện hiệu quả, Hội luôn tạo sự nhất quán từ chủ trương đến hành động, đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch.
Không chỉ hỗ trợ xây nhà, Hội còn đồng hành với các hộ gia đình trong việc phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống - đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính bền vững của Đề án.