Thái Nguyên: Hợp tác cải thiện môi trường bền vững
Dự án giảm thiểu chất thải và tài nguyên hóa thông qua xây dựng hệ thống quản lý chất thải bền vững vừa được Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam và đại diện Công ty Samsung Engineering chính thức đề xuất thực hiện tại Thái Nguyên.
Hiện nay, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát sinh khoảng 800 tấn chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, khối lượng chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý mới chỉ đạt 570 tấn/ngày (bằng 70% tổng lượng chất thải phát sinh). Chất thải sinh hoạt sau khi thu gom chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chiếm khoảng 60%) còn lại đốt tại các lò đốt tập trung (chiếm khoảng 40%). Nhìn chung, chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được phân loại tại nguồn.
Từ thực tế công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt như hiện nay, mới đây KOICA tại Việt Nam và đại diện Công ty Samsung Engineering chính thức đề xuất thực hiện Dự án giảm thiểu chất thải và tài nguyên hóa thông qua xây dựng hệ thống quản lý chất thải bền vững tại Thái Nguyên.
Theo đó, mục tiêu của Dự án là xây dựng hệ thống xử lý chất thải phát sinh tại địa phương một cách ổn định và hợp vệ sinh nhằm duy trì sự phát triển bền vững của tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu này, Dự án sẽ đầu tư xây dựng các cơ sở thu gom, phân loại, xử lý và tái chế rác thải thành phân bón và thu hồi điện năng thông qua các nhà máy đốt rác thay vì xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt đơn giản như trước đây...
Dự kiến: Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ cử đoàn công tác đến khảo sát cụ thể tại tỉnh Thái Nguyên vào tháng 02/2021.
Nếu được phê duyệt, Dự án sẽ được triển khai từ 2022 - 2025 bằng nguồn vốn ODA (vốn viện trợ không hoàn lại) từ Chính phủ Hàn Quốc thông qua Văn phòng KOICA Việt Nam. Công ty Samsung Engineering sẽ là doanh nghiệp trực tiếp thực hiện Dự án này.
Được biết, Thái Nguyên cũng đã từng triển khai Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên có tổng mức đầu tư trên 950 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Cộng hòa Pháp trên 412 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, sự cố cháy tủ điện từ tháng 8/2019 đến nay vẫn chưa được khắc phục khiến toàn hệ thống này gần như “tê liệt”.