Thái Nguyên nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến được tỉnh Thái Nguyên xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Vì vậy, một loạt giải pháp, chỉ tiêu cụ thể đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng, triển khai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo đúng tinh thần 'hành chính phục vụ'.

Tỉnh Thái Nguyên tổ chức tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn, xóm, tổ dân phố hướng dẫn người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.

Tỉnh Thái Nguyên tổ chức tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn, xóm, tổ dân phố hướng dẫn người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.

Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, xác định mục tiêu cơ bản đến năm 2025: Hơn 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, hơn 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và hơn 60% tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, trừ những hồ sơ thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều kế hoạch; phê duyệt danh mục, công bố 932 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 718 dịch vụ công trực tuyến một phần; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo hướng giảm mức thu để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.

U

Trung tâm Điều hành thông minh hỗ trợ chính quyền tỉnh Thái Nguyên quản lý xã hội tốt hơn.

Gần đây nhất, ngày 27/11/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 222 về nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên Đỗ Xuân Hòa cho biết: “Với việc ban hành Kế hoạch 222, tỉnh Thái Nguyên đặt ra yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, bảo đảm 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hướng đến đơn giản hóa thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết; giảm thời gian, phí, lệ phí trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và trên các phương tiện truy cập khác nhau”.

Tập trung triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần, dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên và đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia; cung cấp các tiện ích: thanh toán trực tuyến, chứng thực điện tử, ký số… tiến đến tiếp nhận, xử lý đồng bộ các hồ sơ đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy.

Để hoàn thành những mục tiêu cụ thể đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung rà soát, tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo hướng đơn giản, thuận tiện, người dân không phải khai báo lại các thông tin, dữ liệu cho cơ quan nhà nước.

Hướng tới cắt giảm quy trình, thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính, đề xuất cơ quan có thẩm quyền đơn giản hóa theo quy định; hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (đưa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên lên nền tảng điện toán đám mây, xây dựng biểu mẫu điện tử tương tác, xây dựng kho dữ liệu số, triển khai nền tảng khảo sát ý kiến của người dân và doanh nghiệp…); tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao chất lượng cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyễn Đỗ Xuân Hòa chia sẻ: “Với vai trò chủ trì trong việc tham mưu xây dựng và triển khai Kế hoạch 222, chúng tôi được Ủy ban nhân dân tỉnh giao thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị; giao nhiệm vụ cho các tổ công nghệ số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn, hỗ trợ từng người dân tự sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm mỗi hộ có ít nhất một người biết cách sử dụng tài khoản VNEID, đăng nhập và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên các cổng dịch vụ công”.

Thực hiện Kế hoạch 222, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm vào cuộc triển khai đồng bộ các giải pháp và những nhiệm vụ cụ thể đề ra đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng quy định.

Trên cơ sở nền tảng vững chắc là những kết quả trong công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính những năm gần đây, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự quan tâm vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp và những mục tiêu cụ thể, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025 đạt tối thiểu 80% hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến toàn trình, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao 10%.

Mới đây nhất, theo thống kê tại Bộ chỉ số chỉ đạo điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử của Cổng dịch vụ công quốc gia, năm 2024, Thái Nguyên đạt 88,35/100 điểm, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố.

Đó là kết quả rất đáng ghi nhận, quan trọng nhất là người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đều được hưởng lợi từ nền “hành chính phục vụ” mà tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực xây dựng.

THẾ BÌNH - TRẦN QUYỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thai-nguyen-nang-cao-chat-luong-dich-vu-cong-truc-tuyen-post854230.html