Thái Nguyên phát triển tổ chức công đoàn gắn với phát triển Đảng
Với sự phát triển nhanh chóng của lực lượng công nhân, người lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, tỉnh Thái Nguyên đặt ra yêu cầu và đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước để bảo đảm sự lãnh đạo và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. .
Tỉnh Thái Nguyên xác định, thành lập, củng cố tổ chức công đoàn, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo tiền đề phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng, đoàn thể khác tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Tỷ lệ tổ chức đảng trong doanh nghiệp thấp
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2018 đến nay, các cấp công đoàn đã giới thiệu và 831 công nhân lao động trực tiếp được kết nạp Đảng; trên địa bàn tỉnh hiện có 322 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, trong đó có 94 doanh nghiệp có cả tổ chức công đoàn và tổ chức cơ sở đảng với 3.355 đảng viên.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên Phạm Việt Dũng, cho biết: Qua khảo sát tình hình tổ chức đảng và đảng viên tại các loại hình doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy khi lãnh đạo doanh nghiệp đồng thời là Bí thư Đảng ủy, Bí thư chi bộ thì công tác chỉ đạo các nội dung hoạt động tại đơn vị thống nhất, xuyên suốt, việc sinh hoạt đảng thực hiện nề nếp, bảo đảm thời gian, chất lượng.
“Vai trò của tổ chức đảng được khẳng định trong chỉ đạo hoạt động của doanh nghiệp, việc chấp hành chủ trương đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước một cách hệ thống, bài bản, các tổ chức trong doanh nghiệp được phát huy vai trò rõ nét, có nhiều lao động phấn đấu trở thành đảng viên. Đảng viên đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, tỷ lệ đảng viên, tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI rất thấp. Trên địa bàn tỉnh chỉ có 11% doanh nghiệp đang hoạt động, phát sinh thuế có tổ chức cơ sở đảng, trong đó chỉ có 2 doanh nghiệp FDI có tổ chức cơ sở đảng; tỷ lệ đảng viên trong doanh nghiệp ở các khu công nghiệp chỉ chiếm 0,16% trong tổng số cán bộ, công nhân, người lao động.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 37 doanh nghiệp có từ 3 đảng viên trở lên với tổng số 629 đảng viên nhưng chưa có tổ chức đảng, số đảng viên này đang sinh hoạt đảng tại địa phương nơi cư trú.
Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh với hàng trăm nghìn công nhân. Nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đảng viên, tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI thấp. Cụ thể, công nhân, người lao động từ tỉnh khác đến, điều kiện sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, thường xuyên “nhảy việc” và nhiều công nhân trong tỉnh chưa quan tâm đến quyền lợi chính trị, chưa có động cơ phấn đấu vào Đảng.
Chủ doanh nghiệp chưa nhận thức hết vai trò, vị trí của đảng viên và tổ chức đảng trong doanh nghiệp; một số cấp ủy chưa quan tâm tuyên truyền, thuyết phục, cảm hóa chủ doanh nghiệp, quần chúng đối với Đảng; một số cấp ủy địa phương chưa hướng dẫn thấu đáo quy trình, thủ tục, điều kiện thành lập tổ chức đảng ở những doanh nghiệp có nhu cầu thành lập tổ chức đảng. Ở những doanh nghiệp đã có tổ chức đảng thì phương thức hoạt động còn lúng túng, vai trò của các tổ chức đoàn thể tại doanh nghiệp còn mờ nhạt.
Tạo đột phá phát triển Đảng
Tỉnh Thái Nguyên xác định, thành lập, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức công đoàn để tạo tiền đề, bước đột phá đề thành lập tổ chức đảng, đoàn thể khác tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phạm Việt Dũng, chia sẻ: Thời gian tới, chúng tôi xác định hoạt động công đoàn tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Trọng tâm là phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn; củng cố vai trò, vị trí của công đoàn trong doanh nghiệp, từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong phát triển đảng viên trong công nhân với chỉ tiêu mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất một đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp; tham mưu, phối hợp, hỗ trợ cấp ủy Đảng phát triển tổ chức cơ sở đảng, trước mắt là thành lập tổ chức cơ sở đảng ở các doanh nghiệp đã có từ 3 đảng viên trở lên.
Giải pháp được công đoàn các cấp đưa ra là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, vận động, giáo dục đoàn viên, công nhân nâng cao trình độ, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo; giúp đoàn viên, người lao động có việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, người lao động, tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp nâng cao nhận thức về giai cấp, về Đảng, về chế độ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, kiến thức pháp luật, nâng cao bản lĩnh, tăng sức đề kháng cho đoàn viên, người lao động trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội. Từ đó, công nhân sẽ ý thức chính trị, có nhu cầu, động cơ được đứng trong hàng ngũ của Đảng.