Thái Nguyên: Trồng rừng vượt xa kế hoạch, có huyện đạt trên 200%

Cán bộ kiểm lâm bám sát cơ sở, tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng rừng, định hướng loại cây trồng… Điều đó đã giúp cho kết quả trồng rừng năm 2023 của tỉnh Thái Nguyên vượt kế hoạch đề ra.

Diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023 là hơn 4.323 ha, trong khi kế hoạch giao đầu năm là 3.435 ha, tương đương với đạt 125,8%. Trong đó, trồng rừng gỗ lớn hơn 1.100 ha, nâng diện tích trồng rừng gỗ lớn toàn tỉnh đến năm 2023 là hơn 4.800 ha; Trồng 600 ha quế tại huyện Định Hóa và Võ Nhai, nâng tổng diện tích quế lên hơn 4.500 ha.

Đáng chú ý có huyện Đại Từ đã vượt kế hoạch trồng rừng tới gần 203% so với kế hoạch, cụ thể trồng được gần 608 ha, vượt xa với chỉ tiêu là 300 ha. Người dân tự bỏ vốn trồng rừng gỗ nhỏ gần 337 ha, vượt xa so với dự tính cả năm là 150 ha; trồng rừng gỗ lớn đạt hơn 271 ha, vượt kế hoạch năm là 150 ha.

Xã Tân Thái, huyện Đại Từ không có đồi trọc, tất cả đã được phủ xanh bằng rừng trồng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Xã Tân Thái, huyện Đại Từ không có đồi trọc, tất cả đã được phủ xanh bằng rừng trồng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thực hiện Kế hoạch số 32 năm 2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên hưởng ứng Chương trình “trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng vượt kế hoạch đề ra. Trong năm 2023, tổng hợp số cây xanh phân tán trồng trên toàn tỉnh được hơn 1.415.000 cây, vượt mục tiêu là 1.190.000, tương đương với gần 120% kế hoạch.

Số lượng cây xanh được cập nhật lên phần mềm quản lý cây xanh ThaiNguyen SmartTrees từ năm 2021 đến nay là gần 8.453.000 cây. Cụ thể: năm 2021 cập nhật gần 1.280.000 cây; năm 2022 cập nhật gần 5.000.000 cây; năm 2023 cập nhật được gần 2.200.000 cây.

Chi cục Kiểm Lâm Thái Nguyên đã giao cho bộ phận chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn khảo sát, lựa chọn địa điểm triển khai mô hình lâm nghiệp. Kết quả đã lựa chọn 13 hộ gia đình trên địa bàn xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai thực hiện mô hình trồng cây ba kích và cây khôi tía với tổng diện tích là 3,1 ha.

Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý chặt chẽ giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn nhằm đảm bảo chất lượng cây giống có nguồn gốc đủ tiêu chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng giống tốt, giống tiến bộ khoa học vào trồng rừng, thâm canh rừng, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng.

Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân không chỉ thoát nghèo mà đã vươn lên làm giàu từ trồng rừng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân không chỉ thoát nghèo mà đã vươn lên làm giàu từ trồng rừng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Về xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Thông tư số 28 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 3/5 chủ rừng nhóm II quản lý rừng đặc dụng, sản xuất được phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững với diện tích hơn 34.400 ha (trong đó có hơn 30.000 ha rừng đặc dụng, gần 4.300 ha rừng sản xuất). Hiện Ban quản lý rừng ATK Định Hóa đang triển khai các thủ tục xây dựng phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 với diện tích 5.505 ha rừng đặc dụng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quản lý rừng bền vững và tham gia cấp chứng chỉ rừng. Năm 2023, có 5/9 Hạt Kiểm lâm đã rà soát gần 12.000 ha để hướng dẫn các chủ rừng thực hiện quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng và thực hiện hướng dẫn rừng FSC về trình tự, thủ tục chi trả, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Toán Nguyễn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thai-nguyen-trong-rung-vuot-xa-ke-hoach-co-huyen-dat-tren-200-10269289.html