Thai phụ 37 tuần may mắn giữ được con khi bị bỏng nặng do gia đình dùng cồn nướng mực
Người phụ nữ 28 tuổi nhanh chóng được chuyển viện để mổ bắt con rồi tiếp tục điều trị bỏng.
Ngày 20/5, chị H.T.T. (28 tuổi, hiện sống tại TPHCM) vẫn đang được Bệnh viện Trưng Vương tiếp nhận điều trị do bị bỏng nặng. Chị vừa sinh em bé cách đây vài ngày ngay sau vụ bỏng xảy ra.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, sản phụ đang mang thai 37 tuần, cận ngày sinh nên được gia đình tổ chức ăn tiệc liên hoan. Khi đang nướng mực bằng cồn, một người bất cẩn làm đổ cồn, khiến lửa bùng lên. Ba thành viên trong nhà bị bỏng, trong đó, có sản phụ và bà P.T.L. (58 tuổi, mẹ chị T.) bỏng 35% diện tích cơ thể.
Các nạn nhân được chuyển vào cấp cứu tại một cơ sở y tế tại TP.HCM. Trong lúc này, sản phụ chuyển dạ nên được đưa đến Bệnh viện Từ Dũ mổ bắt con khẩn cấp. Sau khi sinh con, chị được chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương vào ngày 16/5 trong tình trạng bỏng cồn 45% diện tích cơ thể.
Mẹ của sản phụ cũng được điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Hai bệnh nhân đều bị bỏng độ 2-3, có tình trạng sốc bỏng, được điều trị chống sốc, bù dịch, dùng kháng sinh, hỗ trợ dinh dưỡng.
Dự kiến, thời gian điều trị kéo dài nhiều tháng. Nếu thuận lợi, các bệnh nhân sẽ được cắt lọc, ghép da những vị trí bỏng sâu, tập vật lý trị liệu để hồi phục.
Ngoài ra, con lớn của chị T. cũng đang được chăm sóc tích cực tại một bệnh viện chuyên khoa nhi ở TPHCM.
Theo các bác sĩ, khi đãi tiệc hoặc tổ chức ăn uống, nhiều người thường dùng cồn để nấu nướng thức ăn, đặc biệt là mực khô, vì cho rằng dùng cách này mực sẽ thơm hơn. Có những người đốt lửa cồn trong không gian kín và hẹp, khi xảy ra tai nạn, cháy nổ sẽ khó thoát thân.
"Hầu hết các trường hợp gặp nạn xuất phát từ việc người dân nhìn vào bếp tưởng đã cháy hết, nên có thói quen châm thêm cồn trực tiếp. Nhưng khi lửa vẫn còn sẽ khiến bình cồn cầm trên tay bị cháy, đổ ra ngoài và phựt lên người nạn nhân" - bác sĩ phân tích.